NÊN BỔ SUNG VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT CHO TRẺ NHƯ THẾ NÀO?
10:59:5117/12/2015Vitamin và khoáng chất là một trong những yếu tố cần thiết cho sự phát triển cơ thể của trẻ. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin và khoáng chất không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng thừa hoặc thiếu vitamin gây tổn hại đến sức khỏe.
Vitamin và khoáng chất đều rất cần thiết đối với cơ thể con người. Trong đó, vitamin là những hợp chất hữu cơ đóng vai trò xúc tác không thể thiếu cho sự chuyển hóa các chất trong cơ thể. Vitamin có 13 loại cần được cung cấp, gồm 4 vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K) và 9 loại vitamin tan trong nước (vitamin C, vitamin nhóm B: B1, B6, B12, biotin, acid folic,...).
Khoáng chất là những hợp chất vô cơ rất cần thiết cho sự hấp thụ vitamin. Dù quan trọng nhưng vitamin sẽ trở thành vô dụng nếu không có sự hỗ trợ của khoáng chất. Khoáng chất không chỉ có trong thực phẩm mà còn thấy trong đất như là sắt, kẽm…Cây cỏ hấp thụ khoáng chất từ đất vào các tế bào của chúng. Do đó, trái cây, các loại rau, hạt là nguồn cung cấp khoáng chất rất phong phú..
Cơ thể con người không thể tự tổng hợp được những loại vitamin và khoáng chất này (ngoại trừ khi tắm, phơi nắng thích hợp để biến tiền vitamin D thành vitamin D). Vì vậy, chúng ta cần có một chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng dưỡng chất để cung cấp đầy đủ vitamin vầ khoáng chất cho cơ thể.
Trong trường hợp nào thì trẻ cần bổ sung vitamin và khoáng chất?
Trẻ chán ăn cần được bổ sung vitamin và khoáng chất
Các loại thực phẩm tươi là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất hoàn hảo nhất. Chế độ dinh dưỡng tốt bắt đầu từ một thực đơn phong phú, đa dạng các loại thực phẩm. Tuy vậy, nếu trẻ nhà bạn thuộc một trong những nhóm dưới đây, hãy nghĩ đến việc bổ sung vitamin và khoáng chất hàng ngày cho trẻ.
- Trẻ không thường xuyên được ăn những bữa ăn phong phú và đầy đủ các nhóm thực phẩm
- Trẻ ăn quá ít, quá kén ăn
- Trẻ tham gia nhiều những hoạt động thể chất cường độ cao hay chơi các môn thể thao tốn nhiều sức như đá bóng, tập võ...
- Trẻ ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ hộp
- Trẻ theo chế độ ăn chay (cần bổ sung kẽm) hay các trẻ không dùng chế phẩm từ sữa (cần bổ sung canxi)
- Trẻ uống quá nhiều đồ uống có gas cũng có thể dẫn tới thiếu hụt vitamin và chất khoáng
Trẻ bình thường có cần thiết bổ sung vitamin và khoáng chất không?
Về mặt lý thuyết, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và thể trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng nên bổ sung vitamin. Bởi vì các vitamin vốn có trong thực phẩm vẫn có thể bị mất hay giảm đi trong một bữa ăn đầy đủ nếu như chất lượng thực phẩm không bảo đảm (rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C), hoặc thực phẩm được bảo quản và chế biến không tốt (gạo càng trắng càng có ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn...).
Vì vậy, trong nhiều trường hợp, bác sĩ thường khuyên nên cho những trẻ khỏe mạnh uống bổ sung vitamin. Những trẻ béo phì thì nên ăn chế độ ít chất béo và đồng thời bổ sung vitamin, bởi chế độ ăn ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K.
Nên bổ sung vitamin và khoáng chất nào cho trẻ?
- Vitamin A: hỗ trợ sự phát triển của trẻ, tốt cho xương, da, mắt và hệ miễn dịch. Nguồn vitamin A tự nhiên đến từ sữa, phô mai, trứng và các loại rau quả có màu vàng cam như cà rốt, bí đỏ…
- Vitamin nhóm B: B1, B2, B6, B12 góp phần quan trọng trong việc chuyển hóa và sản sinh năng lượng, hỗ trợ hệ thống tuần hoàn và thần kinh hoạt động tốt. Nguồn vitamin nhóm B tự nhiên có trong các loại thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu và hạt.
- Vitamin C: tăng cường khả năng miễn dịch, kìm hãm sự lão hóa của tế bào, bảo vệ mô, kích thích nhanh liền sẹo. Nguồn vitamin C tự nhiên có trong các loại trái cây họ cam chanh, cà chua và cả một số loại rau xanh như bông cải xanh.
- Vitamin D: giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, cho xương và răng khỏe mạnh. Nguồn vitamin D tốt nhất không đến từ đồ ăn mà đến từ ánh nắng mặt trời; ngoài ra lòng đỏ trứng, dầu cá và các chế phẩm từ sữa cũng có chứa vitamin D.
- Canxi: giúp xây dựng bộ xương chắc khỏe, cứng cáp. Canxi có nhiều trong sữa, phô mai, sữa chua, đậu phụ.
- Sắt: là một phần không thể thiếu cho các tế bào hồng (đối với trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD không nên bổ sung thêm sắt). Thiếu sắt gây rủi ro lớn về sức khỏe trong thời kỳ dậy thì, đặc biệt ở các bé gái bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt. Nguồn cung cấp sắt đến từ thịt bò và các loại thịt đỏ khác, thịt lợn, rau cải bó xôi, các loại đậu và trái mận.
Những nguy hiểm nào có thể xảy ra khi bổ sung vitamin và khoáng chất quá liều ?
Rau, củ, quả là nguồn vitamin phong phú nhất
Sử dụng thuốc để bổ sung vitamin và khoáng chất không thể thay thế được thức ăn. Trẻ vẫn cần ăn uống đầy đủ, cân bằng giữa các nhóm thực phẩm. Việc lạm dụng các loại thuốc bổ có thể gây hậu quả xấu và tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm cho trẻ. Cụ thể:
- Thừa Vitamin A có thể gây ngộ độc dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương, có thể làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh. Vitamin A cũng có thể gây dị tật cho thai nhi, vì vậy không nên dùng cho phụ nữ ngay trước thời kỳ mang thai và đặc phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
- Thừa Vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.
- Do không có hiện tượng tích lũy nên hầu như rất ít trường hợp thừa vitamin C, nhưng nếu dùng vitamin C liều cao theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy. Dùng đường tiêm với liều cao có thể gây tan máu, đặc biệt ở những người thiếu men G6PD.
- Thừa Vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng trí tuệ, kém phát triển. Trường hợp bổ sung Vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh.
- Thừa Vitamin K thường chỉ gặp khi dùng đường tiêm kéo dài có thể gây tan máu và vàng da.
- Thừa canxi dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận, tăng huyết áp...xương cốt hoá sớm có thể bị thấp chiều cao.
- Thừa sắt làm gan nhiễm săt gây xơ gan, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim.
- Thừa kẽm dẫn đến biếng ăn, nôn, rối loạn tiêu hoá…
Ngoài ra một số bậc phụ huynh có thói quen sử dụng tùy tiện các loại thuốc bổ cũng có thể vô tình làm cho trẻ bị thiếu Vitamin và các vi chất dinh dưỡng do tương tác thuốc. Ví dụ như Sulfamid, Methotrexat... làm giảm hấp thụ các Vitamin nhóm B; Vitamin E liều cao làm cạn kiệt dự trữ Vitamin A;Vitamin C liều cao làm phá hủy Vitamin B12; thừa kẽm làm cản trở hấp thu sắt...
Lưu ý khi bổ sung những loại vitamin dưới đây cho trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD
- Vitamin B: Vitamin B9 và B12 đóng vai trò rất quan trong trong việc sản xuất tế bào hồng cầu, ngoài ra vitamin B2 và B6 còn tham gia tổng hợp huyết sắc tố. Do đó, trẻ thiếu men G6PD nên được khuyến khích ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin B.
- Vitamin C: Vitamin C có tác dụng nâng cao mức độ Glutathione trong trường hợp sử dụng với liều lượng ≤ 500 mg/ngày (không có tác dụng với liều lượng lớn hơn). Tuy nhiên, vitamin C cũng có tác dụng phụ không mong muốn nếu người bệnh thiếu men G6PD bổ sung không đúng cách. Bởi Vitamin C giúp tăng cường hấp thụ sắt khi được bổ sung đồng thời cùng sắt. Hơn nữa, Vitamin C có thể biến thành chất oxi hóa gây ra thiếu máu tán huyết nếu sử dụng với liều lượng cao. Một người bình thường chỉ nên hấp thụ không quá 2000 mg/ngày, và không quá 1200 mg/ngày đối với trẻ em.
- Vitamin E: Vitamin E là đóng vai trò như chất chống oxi hóa trong tế bào, giúp các tế bào máu bị thiếu men G6PD không bị hư hại bởi các tác nhân oxi hóa.
- Vitamin K: Vitamin K tổng hợp nhân tạo, đặc biệt vitamin K3 (menadione) có thể gây tổn thương cho các tế bào máu trong trường hợp trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD.
- Sắt: Trẻ mắc bệnh thiếu men G6PĐ không nên bổ sung sắt. Tham khảo thêm tại đây
Như vậy, việc bổ sung vitamin và khoáng chất là rất cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần nắm được nguyên tắc và những lưu ý nêu trên để xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ, giúp trẻ có cơ thể khỏe mạnh, đồng thời phát triển một cách toàn diện nhất.
Nguồn: Bionet tổng hợp
Bionet Việt Nam có cung cấp dịch vụ sàng lọc sơ sinh và thu mẫu sàng lọc sơ sinh tại nhà. Các bậc phụ huynh có nhu cầu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho bé nhà mình có thể liên hệ tư vấn và đăng ký dịch vụ qua số điện thoại 04 6686 1304 hoặc số hotline 0121 618 88 98
-----------------------
Tài liệu tham khảo:
- http://viendinhduong.vn/news/vi/550/55/2/a/khi-nao-tre-can-bo-sung-vitamin-va-khoang-chat-bang-thuoc.aspx
- http://afamily.vn/me-va-be/nhung-loi-khuyen-dat-gia-khi-bo-sung-vitamin-cho-con-20130824110344952.chn
- http://vietbao.vn/Suc-khoe/Su-dung-thuoc-bo-sung-vitamin-cho-tre-nhu-the-nao/40134398/249/
- http://www.banglajol.info/index.php/BJPP/article/viewArticle/3563
- http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2703265/
- http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18971162
- http://ajcn.nutrition.org/content/58/1/103.full.pdf+html
- http://www.crnusa.org/pdfs/CRN_G6PDDeficiency_0305.pdf
- http://www.karger.com/Article/Abstract/243894
- TỔNG QUAN XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN GENE BỆNH THIẾU MEN G6PD TẠI BIONET VIỆT NAM (13/05/2022)
- XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN SINH HÓA BỆNH THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (30/03/2022)
- NHỮNG LƯU Ý VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG, DÙNG THUỐC CỦA MẸ TRONG GIAI ĐOẠN CHO CON MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD BÚ MẸ (12/02/2022)
- LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TRỊ HO CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD - NĂM 2022 (21/01/2022)
- NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC GIẢM ĐAU/HẠ SỐT CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (20/01/2022)
Lượng truy cập hiện tại: 1
Lượng truy cập trong ngày: 588
Tổng lượng truy cập: 10924596