Trung tâm sàng lọc sơ sinh Bionet Việt Nam

Sàng lọc sơ sinh là chương trình thực hiện xét nghiệm cho các bé sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.

 

Trung tâm sàng lọc sơ sinh

Bionet Việt Nam

NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC GIẢM ĐAU/HẠ SỐT CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022

10:52:1420/01/2022

      Sốt là một trong những phản ứng miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm. Ở trẻ em, sốt cũng là triệu chứng dễ thấy khi trẻ bị một số bệnh thường gặp, mọc răng hay sau khi tiêm vắc xin. Vậy đối với trẻ bị Thiếu men G6PD việc sử dụng thuốc hạ sốt cần lưu ý gì? Loại thuốc nào trẻ có thể sử dụng được? Trong bài viết này, Bionet sẽ cung cấp một số thông tin tham khảo giúp bố mẹ có thể cân nhắc khi lựa chọn và sử dụng thuốc giảm đau/hạ sốt cho trẻ thiếu men G6PD.

1. Những lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau/hạ sốt cho người thiếu men G6PD

            Bệnh thiếu enzyme G6PD (Glucose-6-phosphate dehydrogenase) hay còn gọi là bệnh thiếu men G6PD là rối loạn di truyền phổ biến, người mắc bệnh này thường không có đủ enzyme G6PD để bảo vệ tế bào hồng cầu trước những tác nhân oxy hóa mạnh. Người bị bệnh thiếu men G6PD có hồng cầu kém ổn định và dễ bị tổn thương bởi các tác nhân oxy hóa mà cơ thể hấp thụ được từ thức ăn, thuốc, ... Khi sử dụng thuốc giảm đau/hạ sốt cho trẻ bị thiếu men G6PD cần đặc biệt lưu ý các thành phần để lựa chọn đúng loại thuốc không chứa chất oxi hóa và an toàn cho trẻ. Hiện tượng tán huyết có thể xảy ra khi sử dụng các loại thuốc chứa chất oxy hóa mạnh dẫn đến vàng da bệnh lý, thiếu máu, suy thận, ...

            Khi trẻ gặp vấn đề về sức khỏe và được bác sĩ thăm khám, kê đơn thuốc thì bố mẹ cần thông báo về tình trạng bệnh thiếu men G6PD của trẻ cho bác sĩ. Nếu bé mới chỉ làm xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh thì thông báo cho bác sĩ kết quả là bé có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu men G6PD. Nếu bé đã làm xét nghiệm chẩn đoán sinh hóa máu tĩnh mạch thì thông báo với bác sĩ bé mắc bệnh thiếu men G6PD. Nếu bé đã làm xét nghiệm chẩn đoán gene xác định được đột biến và biết mức độ bệnh của bé thì thông báo với bác sĩ bé mắc bệnh ở mức độ nào theo phân loại của WHO. Dựa vào các thông tin gia đình cung cấp và tình trạng của trẻ khi đến khám bác sĩ sẽ kê đơn và có phác đồ điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, bố mẹ nên mang theo danh sách thành phần thuốc cần tránh cho trẻ bị thiếu men G6PD để cung cấp cho bác sĩ thêm khi cần thiết.

            Bố mẹ cũng cần có thói quen xem thành phần thuốc và chủ động tra cứu thành phần thuốc theo danh sách các thành phần thuốc cần tránh tuyệt đối hoặc hạn chế sử dụng cho người bị thiếu men G6PD. Việc này là cần thiết ngay cả với các loại thuốc đã được các bác sĩ kê đơn cho con để yên tâm khi sử dụng. (Ví dụ: thuốc Aspirin có thành phần “acid acetylsalicylic” hạn chế sử dụng cho người thiếu men G6PD).

Hình 1: Thuốc có chứa Aspirin (acid acetylsalicylic) cần hạn chế sử dụng cho trẻ thiếu men G6PD

Bảng 1: Danh sách thành phần chất oxy hóa mạnh trong các loại thuốc giảm đau/hạ sốt cần lưu ý đối với người thiếu men G6PD 

  Khuyến cáo tránh tuyệt đối Hạn chế sử dụng
Thuốc giảm đau/hạ sốt Acetanilid, Probenecid                    

Acetylsalicylic acid (Aspirin),

Antipyrine, Metamizol

Aminophenazone(Aminopyrine),

Phenazone (Antipyrine),

Phenacetin (Acetophenetidin),

Paracetamol, Tylenol, Ibuprofen

Acetaminophen, Dipyrone

            Ibuprofen thuộc nhóm thuốc chống viêm non-steroid (NSAID) có tác dụng giảm đau/hạ sốt. Một số thuốc chống viêm non-steroid được khuyến cáo không nên sử dụng cho người thiếu men G6PD [1], tuy nhiên Ibuprofen được chứng minh là an toàn đối với người thiếu men G6PD với liều thấp và sử dụng ngắn ngày [2]. Gia đình nên lưu ý khi cho trẻ trẻ sử dụng Ibuprofen vì một số tác dụng phụ của thuốc như: tác động lên đường ruột, gây ra một số rối loạn tiêu hóa mà nặng nhất là viêm loét dạ dày. Bên cạnh đó, Ibuprofen còn có thể gây ra một số tai biến như: giảm bạch cầu hạt, gây thiếu máu không tái tạo, suy thận, viêm thận và hội chứng thận hư. Chính vì thế, các gia đình không nên tự ý sử dụng loại thuốc này cho trẻ trừ khi có chỉ định từ bác sĩ.

            Một số loại thuốc hạ sốt/giảm đau được tổng hợp để các gia đình tham khảo. Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý về liều lượng sử dụng, một số loại thuốc cần sử dụng theo đơn chỉ định của bác sỹ để chữa bệnh một cách hiệu quả cho trẻ.

Bảng 1: Một số loại thuốc giảm đau/hạ sốt các gia đình thường quan tâm và khuyến cáo sử dụng dựa theo thành phần

STT Tên Hình minh họa Khuyến cáo
1 Hapacol 80

Có thể sử dụng với liều lượng vừa đủ để đối phó với những cơn sốt trên 38,5 °C.

Kết hợp theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.
2 Doliprane

Có thể sử dụng với liều lượng vừa đủ để đối phó với những cơn sốt trên 38,5 °C.

Kết hợp theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.

3 Maxedo 150

Có thể sử dụng với liều lượng vừa đủ để đối phó với những cơn sốt trên 38,5 °C.

Kết hợp theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.
4 Efferalgan 80

Có thể sử dụng với liều lượng vừa đủ để đối phó với những cơn sốt trên 38,5 °C.

Kết hợp theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.
5 Falgankid 160

Có thể sử dụng với liều lượng vừa đủ để đối phó với những cơn sốt trên 38,5 °C.

Kết hợp theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.
6 Siro giảm đau, hạ sốt Sara

Có thể sử dụng với liều lượng vừa đủ để đối phó với những cơn sốt trên 38,5 °C.

Kết hợp theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.
7 Brufen

Sử dụng thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ

Kết hợp theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.
8 Thuốc hạ sốt Polebufen

Sử dụng thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ

Kết hợp theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.

9 Thuốc hạ sốt Sotstop

Sử dụng thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ

Kết hợp theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.

10 A.T Ibuprofen

Sử dụng thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ

Kết hợp theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.

 

             Khi sử dụng thuốc giảm đau/hạ sốt cho trẻ bị thiếu men G6PD gia đình cần quan sát các biểu hiện khác của trẻ. Nếu thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện như: thiếu máu (da xanh xao), mệt mỏi, vàng da hoặc vàng da và mắt, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, nước tiểu sẫm màu (như màu nước coca), ... nên dừng sử dụng loại thuốc đó ngay và hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt vì có thể trẻ đã bị ảnh hưởng bởi thành phần chất oxy hóa có trong thuốc.

            Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc giảm đau/hạ sốt gồm: Buồn nuôn, táo báo, khó ngủ, các phản ứng dị ứng (Khó thở, khò khè, mề đay, sưng phù mặt, phát ban, …). Ngoài ra, khi sử dụng thuốc quá liều sẽ có thể gây tổn thương đến các cơ quan như: Tổn thương gan, thận, dạ dày, các vấn đề về tim, … [3] [4]

2. Những lưu ý khi xử lí trẻ bị sốt

            Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em, là phản ứng tự vệ của cơ thể chống lại các tác nhân gây nhiễm. Thông thường, nhiệt độ cơ thể trẻ khoảng 36.5 – 37.5 °C. Khi sốt nhiệt độ cơ thể sẽ tăng trên mức nhiệt độ cơ thể bình thường [5]. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt như [6]:

  • Cơ thể bị nhiễm trùng: viêm đường hô hấp, viêm ruột, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng da, sốt do nhiễm lao, ...
  • Tiêm chủng
  • Mặc quá nhiều quần áo, ủ ấm quá kỹ cho trẻ
  • Mọc răng

            Các bố mẹ có thể nhận biết trẻ đang sốt bằng cách sờ ở bụng hoặc nách của trẻ thấy nóng, môi và má đỏ hơn bình thường, mắt không linh hoạt, cử chỉ lừ đừ, trẻ cáu kỉnh hoặc tăng tiết mồ hôi. Khi đó, phụ huynh nên sử dụng nhiệt kế để đo thân nhiệt của trẻ, xác định được tình trạng sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời: 

  • Nhiệt độ 37,5 - 38,5 °C: sốt nhẹ.
  • Nhiệt độ 38,5 - 39 °C: sốt vừa.
  • Nhiệt độ 39 - 40 °C: sốt cao.
  • Nhiệt độ bé từ 40 °C trở lên: sốt rất cao.

            Đối với những cơn sốt nhẹ các bố mẹ nên hạ sốt bằng cách nới lỏng quần áo, mặc quần áo mỏng, lau ấm (trán, cổ, nách, bẹn) và cho trẻ uống nhiều nước (trường hợp trẻ nhỏ và còn bú mẹ hãy cho trẻ bú nhiều hơn và thường xuyên hơn).

            Các bố mẹ chỉ nên cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt khi cơn sốt của trẻ trên 38.5 °C, lưu ý rằng cần sử dụng thuốc đúng liều theo cân nặng và độ tuổi của trẻ. Cần cho trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10mg/kg thể trọng/lần, lặp lại sau 4 – 6 giờ nếu vẫn còn sốt, liều tối đa không quá 60mg/kg/ngày [7] [8]. Ngoài ra, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc trước khi dùng. Nếu sau 1 – 2 ngày tình trạng của trẻ không giảm, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để xử lý và điều trị kịp thời.

            Đối với cơn sốt cao từ 39°C, bố mẹ cần hạ sốt cho trẻ như cơn sốt nhẹ, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị ngay.

            Đặc biệt, cần đưa trẻ đến bác sỹ ngay nếu trẻ sốt và kèm theo các dấu hiện sau [8]:

  • Trẻ sốt dưới 2 tháng tuổi
  • Xuất hiện co giật
  • Phát ban
  • Trẻ thở nhanh, sâu, thở khó khăn
  • Trẻ nôn nhiều …

            Thông qua bài viết này, Bionet hy vọng có thể cung cấp các thông tin hữu ích và những lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau/hạ sốt cho trẻ, đặc biệt là trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD. Từ đó, giúp đỡ được các gia đình trong quá trình chăm sóc trẻ.

            Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh thiếu men G6PD, chăm sóc sức khỏe những người bị bệnh Thiếu men G6PD, Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet Việt Nam đã tạo ra nhóm facebook "Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Bệnh thiếu men G6PD - Bionet Việt Nam" . Với hơn 10 năm kinh nghiệm triển khai xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh bệnh Thiếu men G6PD, Bionet hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị về tri thức và nhân văn cho tất cả các thành viên tham gia nhóm thông qua các hoạt động: 

+ Cung cấp kho thông tin đầy đủ, chính thống, hữu ích qua nhiều dạng tài liệu trong nước và quốc tế

+ Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bệnh Thiếu men G6PD và cuộc sống khỏe mạnh thực tế của những người mắc bệnh thiếu men G6PD

+ Hỗ trợ giải đáp những vấn đề liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán, chắm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD

+ Tổ chức những hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thiếu men G6PD

+ Tổ chức các hoạt động thực tế hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh thiếu men G6PD

Click vào đường link: https://www.facebook.com/groups/Bionet.G6PD để tham gia nhóm ngay nhé!

Nguồn: Bionet Việt Nam

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] https://www.healthline.com/health/glucose-6-phosphate-dehydrogenase-deficiency

[2] Nadia Najafi , Anne Van de VeldeJan Poelaert. Potential risks of hemolysis after short-term administration of analgesics in children with glucose-6-phosphate dehydrogenase deficiency. J Pediatr. 2011 Dec;159(6):1023-8.

[3] https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cac-tac-dung-phu-cua-thuoc-ha-sot/

[4] https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cac-tac-dung-phu-cua-thuoc-giam-dau/?link_type=related_posts

[5] http://benhvien108.vn/sot-o-tre-em-va-nhung-dieu-can-biet.htm

[6] http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/2090/nhung-luu-y-khi-tre-bi-sot.html

[7] https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/phan-loai-va-cach-su-dung-thuoc-ha-sot-tre-em/

[8] http://benhviennhitrunguong.org.vn/sot-o-tre-em.html

 

 

Hỗ trợ trực tuyến
02466861304 0796188898
Thống kê truy cập

Lượng truy cập hiện tại: 1

Lượng truy cập trong ngày: 3736

Tổng lượng truy cập: 10922834

Trung tâm sàng lọc sơ sinh BIONET Việt Nam