TRẺ SỐT MỌC RĂNG: NGUYÊN NHÂN VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
16:41:4620/02/2019Trẻ sốt mọc răng khiến bạn lo lắng không yên. Bạn có biết mỗi trẻ sẽ có các dấu hiệu khác nhau khi mọc răng? Các triệu chứng phổ biến nhất là khó chịu, bỏ bú, hay cắn vú mẹ hoặc núm vú nếu bú bình, chán ăn, thậm chí có một số trẻ mọc răng bị sốt nhẹ.
Mọc răng là một giai đoạn thú vị và quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Đây là mốc quan trọng đánh dấu việc con bạn bước sang giai đoạn ăn các loại thức ăn khác ngoài sữa. Giai đoạn trẻ bắt đầu mọc răng là lúc chiếc răng đầu tiên nhú ra khỏi nướu của trẻ. Điều này có thể khiến trẻ khó chịu trong vài ngày. Do đó, bạn có thể tìm hiểu các vấn đề liên quan khiến trẻ sốt mọc răng để biết cách giúp bé bớt khó chịu.
Trẻ bắt đầu mọc cái răng đầu tiên khi nào?
Thông thường trong giai đoạn từ 4 – 7 tháng tuổi, trẻ sẽ mọc cái răng đầu tiên. Một số trẻ có thể mọc răng sớm hơn một chút khi mới khoảng 3 tháng tuổi. Răng mọc đầu tiên thường là hai răng cửa dưới, tiếp theo là hai răng cửa trên rồi đến hai răng cửa bên hàm trên, sau đó mới đến hai răng cửa bên hàm dưới.
Thời gian sau, những chiếc răng hàm đầu tiên xuất hiện. Các răng nanh hàm trên mọc sau cùng. Đa phần các bé đều có 20 cái răng sữa trước 3 tuổi. Do đó, nếu con lớn hơn 3 tuổi mà chưa có đủ răng, bạn hãy đưa con đi khám để biết rõ tình trạng sức khỏe răng miệng của bé. Ngoài ra, việc khám sức khỏe răng miệng thường xuyên giúp nha sĩ phát hiện kịp thời những vấn đề răng miệng của bé như sâu răng…
Trong một số trường hợp hiếm, trẻ mới chào đời đã có sẵn 1 – 2 chiếc răng (còn gọi là răng sơ sinh ) hoặc mọc răng chỉ vài tuần sau sinh. Trong trường hợp này, nếu răng cản trở quá trình bé bú hoặc lung lay khiến bé có nguy cơ nghẹt thở, bạn nên đưa bé đi khám để được xử lý đúng cách. Nếu răng sơ sinh này không ảnh hưởng đến bé, bạn không cần lo lắng quá.
Dấu hiệu nhận biết trẻ sốt mọc răng là gì?
Một số dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết được thời điểm trẻ bắt đầu mọc răng và sốt do mọc răng.
Dấu hiệu trẻ mọc răng
Khi bước vào giai đoạn mọc răng, bé sẽ có các dấu hiệu điển hình để bạn dễ dàng nhận như:
- Chảy nước dãi nhiều
- Cáu kỉnh
- Hay quấy khóc
- Hay cắn
- Thích nhai
- Nướu sưng to và đỏ
- Bỏ bú
- Trằn trọc khó ngủ
- Nếu đã ăn dặm, bé có thể chán ăn hay bỏ ăn
- Một số trẻ bị tiêu chảy (tướt mọc răng) và sốt mọc răng.
Dấu hiệu trẻ sốt mọc răng
Bên cạnh dấu hiệu cáu kỉnh, khó ăn, khó ngủ, trẻ sốt mọc răng có một số dấu hiệu như:
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Hắt hơi hoặc ho
- Bé bị tiêu chảy, nôn mửa
- Phát ban
Khi bé bước vào giai đoạn mọc răng, nướu sưng căng có thể khiến nhiệt độ cơ thể của bé cao hơn bình thường một chút, nhưng sốt mọc răng thường không cao hoặc không tiêu chảy. Nếu sốt cao hơn 38°C và tiêu chảy, bé có thể đang bị một bệnh nào khác mà không phải sốt mọc răng. Do đó, hãy đưa con đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Bí quyết giảm đau nướu khi bé mọc răng?
Nếu bé đang mọc răng và bị đau nướu, bạn có thể cho bé ngậm một vòng bằng silicon để bé nhai hoặc bạn rửa tay sạch và dùng đầu ngón tay chà nhẹ lên nướu của bé. Để quá trình mọc răng của bé diễn ra dễ dàng hơn, bạn nên áp dụng một vài mẹo sau đây:
- Một số bé bước vào giai đoạn mọc răng hay bị chảy nước dãi. Do đó, bạn hãy lau miệng cho bé thường xuyên hơn để giữ vệ sinh và nhằm ngăn ngừa tình trạng phát ban. Nếu bé chảy nhiều dãi, bạn có thể cho con đeo yếm.
- Rửa tay thật sạch mỗi khi chà nướu cho bé.
- Bé mọc răng khiến nướu sưng lên và đau. Để giảm đau cho bé, bạn có thể bỏ vòng nhai vào ngăn mát tủ lạnh trước khi cho bé dùng. Không bỏ vòng lâu trong ngăn đá vì có thể khiến dụng cụ nứt vỡ. Nếu không có vòng nhai bạn có thể thay thế bằng một chiếc khăn sạch, ướt. Bạn có thể để khăn trong ngăn mát tủ lạnh trước khi cho bé dùng.
- Lưu ý khi chọn mua vòng nhai cho bé: Tránh mua vòng có chất lỏng bên trong vì vòng có thể nứt, rò rỉ dịch khiến bé có nguy cơ nuốt phải. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi cho bé dùng. Nếu trong hướng dẫn không yêu cầu bạn đun sôi để khử trùng vòng thì không nên làm vì những thay đổi nhiệt độ có thể khiến vòng bị hư hỏng, dễ nứt vỡ.
- Nếu bé đã ăn giặm, bạn có thể cho bé ăn các loại bánh ăn giặm để thỏa mãn nhu cầu nhai, cắn của bé. Song lưu ý là bạn phải theo dõi khi cho bé ăn, tránh trường hợp nghẹn, hóc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Việc nướu răng sưng đau có thể khiến bé cáu kỉnh, nếu bé trên 6 tháng tuổi, bạn có thể cho uống ibuprofen hoặc acetaminophen giúp giảm đau răng. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về cách dùng cũng như liều lượng.
- Tuyệt đối không cho trẻ dùng aspirin dưới bất kỳ hình thức nào như cho trẻ uống hay chà lên nướu răng của trẻ.
- Không dùng cồn chà xát lên nướu răng của bé.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại gel hay bất kỳ loại thuốc nào để chà vào nướu của bé. Một số loại thuốc có chứa belladonna hoặc benzocaine có thể nguy hại cho sức khỏe của trẻ.
Chăm sóc răng cho trẻ
Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ trước khi bé mọc cái răng đầu tiên là rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng lâu dài của trẻ. Hàng ngày, bạn hãy lau sạch nướu răng của bé bằng khăn, gạc sạch, gạc rơ lưỡi hoặc chải nhẹ nhàng bằng bàn chải dành cho trẻ nhỏ và nước. Khi bé đã mọc răng, hãy chải răng cho bé 2 lần/ngày, đặc biệt là sau bữa ăn.
Bạn có thể xây dựng thói quen này cho trẻ bằng cách cho trẻ xem và bắt chước bạn hoặc anh chị của bé chải răng. Ngoài ra, bạn có thể mở các bài hát dạy trẻ đánh răng trên YouTube để bé xem và bắt chước. Khi bé biết cầm bàn chải thành thạo, bạn có thể cho trẻ tự đánh răng, chỉ cho con cách dùng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng thường xuyên.
Dù bộ răng sữa sẽ rụng khi trẻ khoảng 5 – 6 tuổi nhưng nếu không chăm sóc răng miệng cho con kỹ thì sâu răng sẽ khiến những chiếc răng sữa “rụng trước thời hạn”. Điều này vô tình để lại khoảng trống quá sớm trước khi răng vĩnh viễn mọc lên. Do đó, các răng còn lại có xu hướng xích lại với nhau nhằm lấp đầy những khoảng trống khiến răng vĩnh viễn mọc lên khó khăn, thậm chí là mọc lệch, mọc không đúng vị trí.
Với các bé khoảng 3 tuổi, bạn có thể cho con đánh răng với kem đánh răng dành riêng cho trẻ. Hãy chọn kem có ít chất fluoride và chỉ sử dụng một lượng nhỏ bằng hạt đậu hoặc ít hơn cho trẻ. Đừng để trẻ nuốt kem đánh răng vì chất fluoride trong kem đánh răng có thể gây hại cho trẻ.
Để ngăn ngừa tình trạng sâu răng của trẻ, bạn không nên cho bé uống sữa vào ban đêm. Việc trẻ uống sữa khi ngủ có thể gây sâu răng và hình thành mảng bám trên răng làm mất thẩm mỹ.
Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ đi khám răng khi bé được 1 tuổi hoặc 6 tháng sau khi chiếc răng đầu tiên xuất hiện. Mục đích là sớm phát hiện các vấn đề răng miệng của trẻ và nha sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ về việc chăm sóc răng cho trẻ một cách hiệu quả.
Khi nào cần đưa trẻ sốt mọc răng đi khám?
Trẻ sơ sinh mọc răng thường sẽ quấy khóc, trằn trọc, bỏ bú, bỏ ăn ít ngày… Song nếu bé sốt mọc răng hoặc có các dấu hiệu sau, hãy đưa con đến bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Bé dưới 3 tháng tuổi và sốt trên 38°C
- Bé hơn 3 tháng tuổi và bị sốt trên 39°C
- Sốt kéo dài hơn 24 giờ
- Sốt cao có kèm tiêu chảy, nôn mửa hoặc phát ban
- Ngủ li bì, lơ mơ
- Quấy khóc không ngừng và bạn không thể dỗ được bé
⇒ Giai đoạn bé mọc răng có thể là một khoảng thời gian khó chịu cho cả mẹ và bé. Đây là một giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ để có phương pháp chăm sóc con hợp lý.
Nguồn: Hello Bacsi
- BIONET CHÀO XUÂN 2024 CHỦ ĐỀ “XUÂN ĐOÀN KẾT - TẾT BIỂN ĐẢO” (16/01/2024)
- BIONET VIỆT NAM TỔ CHỨC DU LỊCH TẠI LEGACY YÊN TỬ KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP TRUNG TÂM SÀNG LỌC SƠ SINH (15/11/2022)
- SÀNG LỌC SƠ SINH BIONET VIỆT NAM – HÀNH TRÌNH 10 NĂM VÌ SỨC KHỎE TRẺ EM VIỆT (15/11/2022)
- BIONET VIỆT NAM TỔ CHỨC HỘI THẢO “CẬP NHẬT THÔNG TIN VỀ SÀNG LỌC VÀ CHẨN ĐOÁN SƠ SINH NĂM 2022” (15/11/2022)
- THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ THAM QUAN HỆ THỐNG PHÒNG XÉT NGHIỆM DÃ CHIẾN BIOCOVID CỦA BIONET VIỆT NAM TẠI TỈNH BẮC GIANG (29/05/2021)
Lượng truy cập hiện tại: 1
Lượng truy cập trong ngày: 676
Tổng lượng truy cập: 11156483