NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG KHÁNG SINH CHO TRẺ THIẾU MEN G6PD - CẬP NHẬT NĂM 2021
16:34:5729/04/2021Việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh cho trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD cần phải đặc biệt chú ý vì trẻ có nguy cơ tán huyết nếu sử dụng thuốc có chứa thành phần là chất oxi hóa mạnh. Trong bài viết này, Bionet sẽ cung cấp cho bố mẹ một số thông tin hữu ích khi sử dụng kháng sinh cho trẻ bị thiếu men G6PD.
1. Những lưu ý khi sử dụng kháng sinh cho trẻ thiếu men G6PD
Bệnh thiếu enzyme G6PD (Glucose-6-phosphate dehydrogenase) hay còn gọi là bệnh thiếu men G6PD là rối loạn di truyền phổ biến, trẻ mắc bệnh này thường không có đủ enzyme G6PD để bảo vệ tế bào hồng cầu trước những tác nhân oxy hóa mạnh. Người bị bệnh thiếu men G6PD có hồng cầu kém ổn định và dễ bị tổn thương bởi các tác nhân oxy hóa mà cơ thể hấp thụ được từ thức ăn, thuốc. Khi sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ bị thiếu men G6PD cần đặc biệt lưu ý các thành phần để lựa chọn đúng loại thuốc không chứa chất oxi hóa và an toàn cho trẻ. Hiện tượng tán huyết có thể xảy ra khi sử dụng các loại thuốc chứa chất oxy hóa mạnh dẫn đến vàng da bệnh lý, thiếu máu, suy thận, ...
Khi trẻ gặp vấn đề về sức khỏe và được bác sĩ thăm khám, kê đơn thuốc thì bố mẹ cần thông báo về tình trạng bệnh thiếu men G6PD của trẻ cho bác sĩ. Nếu bé mới chỉ làm xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh thì thông báo cho bác sĩ kết quả là bé có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu men G6PD. Nếu bé đã làm xét nghiệm chẩn đoán sinh hóa máu tĩnh mạch thì thông báo với bác sĩ bé mắc bệnh thiếu men G6PD. Nếu bé đã làm xét nghiệm chẩn đoán gene xác định được đột biến và biết mức độ bệnh của bé thì thông báo với bác sĩ bé mắc bệnh ở mức độ nào theo phân loại của WHO. Dựa vào các thông tin gia đình cung cấp và tình trạng của trẻ khi đến khám bác sĩ sẽ kê đơn và có phác đồ điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, bố mẹ nên mang theo danh sách thành phần thuốc cần tránh cho trẻ bị thiếu men G6PD để cung cấp cho bác sĩ thêm khi cần thiết.
Bố mẹ cũng cần có thói quen xem thành phần thuốc và chủ động tra cứu thành phần thuốc theo danh sách các thành phần thuốc cần tránh tuyệt đối hoặc hạn chế sử dụng cho người bị thiếu men G6PD. Việc này là cần thiết ngay cả với các loại thuốc đã được các bác sĩ kê đơn cho con để yên tâm khi sử dụng. Quan sát trên vỏ hộp thuốc và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để thấy tên thành phần thuốc (Ví dụ thuốc Avelox có thành phần Moxifloxacin 400 mg). Đối chiếu với bảng các thành phần chất oxi hóa trong các loại thuốc kháng sinh để không sử dụng nếu là thành phần cần tránh tuyệt đối hoặc hạn chế sử dụng nếu thành phần thuốc cần hạn chế sử dụng. (Moxifloxacin cần tránh tuyệt đối, vậy nên sẽ không dùng thuốc Avelox cho trẻ mà đề nghị bác sĩ thay thế loại khác an toàn hơn cho trẻ).
Hình 1: Thuốc có chứa Moxifloxacin cần tránh cho trẻ thiếu men G6PD
Bảng 1: Danh sách thành phần chất oxy hóa mạnh trong các loại thuốc kháng sinh cần lưu ý đối với người thiếu men G6PD
Khuyến cáo tránh tuyệt đối | Hạn chế sử dụng | |
Kháng sinh | Acetylphenylhydrazine, Paraminosalicylic acid | Isoniazid, Norfloxacin, Furazolidone, Ciprofloxacin |
Sulfonamide |
Sulfamethoxazole, Sulfasalazine, Tamsulosin | Sulfacytine, Sulfadiazine, Sulfamerazine, Sulfacetamide, Sulfadimidine, Sulfafurazole, Sulfamethoxypyridazine (Kynex), Sulfanilamide, Sulfaguanidine, Sulfisoxazole, Sulfafurazone |
Kháng khuẩn | Levofloxacin, Moxifloxacin, Acid Nalidixic, Nitrofurantoin, Nitrofural, Nitrofurazone, Perfloxacin, Sulfathiazole, Niridazole, Beta-naphthol | Chloramphenicol, Streptomycin, Sulfoxone, Aldesulfone sodium, Chlorguanidine, Ciprofloxacin, Ofloxacinl, Macrodantin, Nalidixic acid |
Một số loại kháng sinh không có chứa thành phần chất oxy hóa mạnh cũng được tổng hợp để các gia đình tham khảo, tuy nhiên ngay cả với các loại thuốc này bố mẹ cũng không nên tự ý mua thuốc và sử dụng cho trẻ. Cần sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ và đúng liều lượng để chữa bệnh một cách hiệu quả cho trẻ.
Hình 2: Một số loại kháng sinh không chứa thành phần cần tránh cho trẻ thiếu men G6PD
Khi sử dụng thuốc kháng sinh, một số tác dụng phụ phổ biến có thể gặp như sau [1]:
- Tác động đến đường tiêu hóa: buồn nôn, nôn, chuột rút, bệnh tiêu chảy, gây khó chịu dạ dày
- Độ nhạy sáng: người sử dụng kháng sinh có thể cảm thấy ánh sáng sáng hơn, da dễ bị cháy nắng hơn
- Sốt: đây là tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc bao gồm cả kháng sinh. Lưu ý khi người bệnh sốt cao và không khỏi sau 24 – 48h hãy liên hệ ngay với các cơ sở y tế.
- Răng đổi màu: một số loại kháng sinh có thể gây ố răng vĩnh viễn ở trẻ, chủ yếu xảy ra với trẻ dưới 8 tuổi.
Đối với các tác dụng phụ thường gặp này khi kê đơn có kháng sinh bác sĩ sẽ thường kèm theo đơn là men tiêu hóa, thuốc hạ sốt, vitamin, ...
Khi sử dụng thuốc kháng sinh không chắc chắn về thành phần thuốc có chất oxy hóa hay không cho trẻ bị thiếu men G6PD thì gia đình cần quan sát các biểu hiện khác của trẻ. Nếu thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện như: thiếu máu (da xanh xao), mệt mỏi, vàng da hoặc vàng da và mắt, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, nước tiểu sẫm màu (như màu nước coca), ... nên dừng sử dụng loại thuốc đó ngay và hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt vì có thể trẻ đã bị ảnh hưởng bởi thành phần chất oxy hóa có trong thuốc.
2. Lưu ý chung khi sử dụng thuốc kháng sinh để tránh hiện tượng kháng kháng sinh
Tại tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc (18-24/11/2020), WHO đã có cảnh báo về tình hình kháng kháng sinh tại Việt Nam. Nguyên nhân chính đến từ việc lạm dụng thuốc kê kháng sinh không thông qua chỉ định của bác sĩ. Bộ y tế Việt Nam cũng cho biết tình trạng gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc đang rất đáng báo động. PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 trẻ nhỏ, và đến 30% bệnh nhi nhập viện có vi khuẩn kháng thuốc. Tình trạng này khiến cho trẻ em sẽ dần trở nên kém cỏi để chống lại sự nhiễm trùng thông thường, ngay cả bệnh cảm cúm [2]
Kháng kháng sinh bản chất là 1 hiện tượng tiến hóa tự nhiên. Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh tùy ý khiến tình trạng này xảy ra nhanh hơn rất nhiều khiến bệnh kéo dài hơn, chi phí y tế cao hơn và gia tăng nguy cơ tử vong [3].
Chúng ta cần hiểu rằng thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi khuẩn, không có tác dụng đối với các bệnh do virus. Vì vậy, trong hầu hết các trường hợp như sốt do virus, viêm họng cấp, viêm thanh quản, viêm phế quản, tiêu chảy, … thì không nên dùng kháng sinh [4].
Khi trẻ nhỏ bị ốm, bố mẹ cần nhận biết được các dấu hiệu bệnh nặng để đưa trẻ đi khám sớm, tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và kê đơn thuốc từ bác sĩ.
Khi đó, bố mẹ cần lưu ý các nguyên tắc sau:
Kháng sinh phải dùng đúng loại [5] [6] [7]: Kháng sinh phải do bác sỹ kê đơn. Đúng loại nghĩa là trẻ nhiễm khuẩn loại nào thì dùng kháng sinh trị vi khuẩn loại đó. Các gia đình cần tuân thủ đúng loại kháng sinh, không tự ý đổi thuốc, không tự ý mua kháng sinh điều trị cho trẻ. Không tự ý chia sẻ đơn kháng sinh cho người khác.
Kháng sinh phải dùng đúng liều [5] [7]: Liều này đã được bác sỹ tính toán và kê đơn, không nên tự ý điều chỉnh liều. Nếu có thắc mắc về liều thuốc, nên trao đổi với bác sỹ điều trị. Liều thuốc dùng ở trẻ em được tính theo 3 tiêu chí sau:
- Kilogam cân nặng (cân càng nặng thì liều dùng càng cao).
- Mức độ bệnh (bệnh càng nặng thì liều dùng càng cao).
- Mức độ đáp ứng với thuốc (bệnh đáp ứng điều trị kém thì liều dùng càng cao).
Kháng sinh phải dùng đủ ngày [5][6]: Phải dùng hết đơn thuốc kháng sinh dù thấy trẻ đã đỡ bệnh. Việc tự ý ngừng thuốc sẽ khiến vi khuẩn chưa bị diệt hẳn có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn và làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ. Không giữ thuốc lại để tự dùng cho lần ốm sau.
Số ngày điều trị kháng sinh dựa trên nguyên tắc bệnh lui dần. Theo nguyên tắc đó, số ngày dùng kháng sinh phải đạt được số ngày tối thiểu để đảm bảo vi khuẩn không tái phát lại. Thời gian tối thiểu dùng kháng sinh từ 5-7 ngày tùy loại kháng sinh.
Kháng sinh cần theo dõi cẩn thận [5]: Thuốc kháng sinh là thuốc có nguy cơ gây ra phản ứng dị ứng. Các gia đình cần theo dõi tình trạng của bé 2 ngày dùng kháng sinh, nếu không có triệu chứng gì bất thường, mới tạm yên tâm về loại thuốc kháng sinh bé đang sử dụng. Khi có dấu hiệu bất thường, cần thông báo cho bác sỹ ngay.
Nên dùng kháng sinh gói hoặc hỗn dịch cho trẻ [5]: Thuốc kháng sinh được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau: thuốc hỗn dịch (pha nước vào trong lọ 1 lần và dùng nhiều lần tiếp theo), thuốc gói, thuốc viên, thuốc tiêm.
Dùng thuốc kháng sinh tại nhà cho bé nên dùng thuốc gói bột hoặc thuốc hỗn dịch, dùng liều được tính theo kilogam cân nặng. Hạn chế dùng kháng sinh dạng viên với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.
Kháng sinh cần được hòa tan kỹ [5]: Một số loại thuốc kháng sinh được bào chế dưới dạng bột trong lọ hỗn dịch hoặc trong gói, khi sử dụng cần được pha với nước, cần hòa tan kỹ thuốc. Nếu hòa tan không kỹ, kháng sinh chưa tan đồng đều và bé sẽ bị uống sai liều, thường là bị tăng liều cao hơn.
Thời gian lắc thuốc và hòa tan kéo dài từ 1-2 phút tùy từng thể tích và từng loại thuốc. Hòa tan kháng sinh bằng nước đun sôi để nguội để kháng sinh không bị phá hủy bởi nhiệt độ.
Thông qua bài viết này, Bionet hy vọng có thể cung cấp các thông tin hữu ích và những lưu ý khi sử dụng kháng sinh cho trẻ, đặc biệt là trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD. Từ đó, giúp đỡ được các gia đình trong quá trình chăm sóc trẻ.
Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh thiếu men G6PD, chăm sóc sức khỏe những người bị bệnh Thiếu men G6PD, Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet Việt Nam đã tạo ra nhóm facebook "Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Bệnh thiếu men G6PD - Bionet Việt Nam" . Với hơn 10 năm kinh nghiệm triển khai xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh bệnh Thiếu men G6PD, Bionet hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị về tri thức và nhân văn cho tất cả các thành viên tham gia nhóm thông qua các hoạt động:
+ Cung cấp kho thông tin đầy đủ, chính thống, hữu ích qua nhiều dạng tài liệu trong nước và quốc tế
+ Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bệnh Thiếu men G6PD và cuộc sống khỏe mạnh thực tế của những người mắc bệnh thiếu men G6PD
+ Hỗ trợ giải đáp những vấn đề liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán, chắm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD
+ Tổ chức những hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thiếu men G6PD
+ Tổ chức các hoạt động thực tế hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh thiếu men G6PD
Click vào đường link: https://www.facebook.com/groups/Bionet.G6PD để tham gia nhóm ngay nhé!
Nguồn: Bionet Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/khang-sinh-co-tac-dung-phu/
[2] https://bvndtp.org.vn/lam-dung-khang-sinh-khang-sinh-o-tre-em/
[4] https://bvsnnb.vn/2018/05/04/su-dung-khang-sinh-cho-tre-em-dung-cach-va-hop-ly/
[7] https://www.cdc.gov/antibiotic-use/community/about/can-do.html
- TỔNG QUAN XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN GENE BỆNH THIẾU MEN G6PD TẠI BIONET VIỆT NAM (13/05/2022)
- XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN SINH HÓA BỆNH THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (30/03/2022)
- NHỮNG LƯU Ý VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG, DÙNG THUỐC CỦA MẸ TRONG GIAI ĐOẠN CHO CON MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD BÚ MẸ (12/02/2022)
- LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TRỊ HO CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD - NĂM 2022 (21/01/2022)
- NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC GIẢM ĐAU/HẠ SỐT CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (20/01/2022)
Lượng truy cập hiện tại: 1
Lượng truy cập trong ngày: 2227
Tổng lượng truy cập: 10938205