MỘT SỐ THẢO DƯỢC CẦN TRÁNH DÀNH CHO NGƯỜI MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD
09:01:2029/04/2016Lời đầu: Khi chăm sóc các bé mắc bệnh thiếu men G6PD việc tránh những thành phần thuốc có trong các loại thuốc Tây y khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh bối rối trong việc lựa chọn loại thuốc phù hợp. Nhiều gia đình đã tìm đến các bài thuốc thay thế từ thảo dược như một giải pháp tối ưu. Khi sử dụng đa số thảo dược là lành tính, tuy nhiên cũng có một số điểm lưu ý để cha mẹ thật thông thái khi chăm sóc bé.
Hầu hết những bậc phụ huynh có con mắc bệnh thiếu men G6PD đều biết rằng người mắc bệnh này có nguy cơ cao bị tán huyết khi tiếp xúc với các tác nhân oxy hóa. Dấu hiệu tán huyết nghiêm trọng ở trẻ là nồng độ bilirubin tự do trong máu vượt mức cho phép, gây biến chứng thần kinh bao gồm: chậm phát triển, co giật, vàng da, vàng nhân não thậm chí tử vong nếu trẻ không được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Để ngăn chặn tán huyết xảy ra, người mắc bệnh thiếu men G6PD cần tránh tiếp xúc với các tác nhân oxi hóa có thể gặp trong một số loại thực phẩm (danh sách thực phẩm cần tránh xem tại đây), dược phẩm (danh sách dược phẩm cần tránh xem tại đây) và khi nhiễm trùng.
Tuy nhiên, danh sách thuốc cần tránh quá nhiều đã gây không ít hoang mang cho các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn loại thuốc phù hợp dành cho trẻ. Vì vậy, nhiều gia đình quyết định tìm đến các bài thuốc y học cổ truyền để chữa bệnh cho trẻ với suy nghĩ rằng thảo dược có nguồn gốc từ tự nhiên thì an toàn hơn so với các loại thuốc Tây y.
Mặc dù thảo dược thường lành tính và ít tác dụng phụ hơn nhưng vẫn có một số loại dược liệu được khuyến cáo nên tránh sử dụng dành cho người mắc bệnh thiếu men G6PD, ví dụ như Hoàng Liên, Kim Nhân, Ngưu Hoàng hay Trân Châu (Theo khuyến cáo của Sở Y Tế Chính Phủ Hồng Kông). Ngoài ra, trong một nghiên cứu khoa học gần đây, tác giả và công sự đã tiến hành đánh giá mức độ oxi hóa 18 loại thảo dược thường sử dụng và ảnh hưởng của chúng đến những người mắc bệnh thiếu men G6PD. Kết quả cho thấy có 6/18 loại thảo dược gây giảm hoạt tính Glutathione (chất chống oxi hóa được sản xuất bởi enzyme G6PD, có chức năng bảo vệ màng tế bào hồng cầu) bao gồm: Hoàng liên, Sài hồ, Địa hoàng, Cốt khí củ, Mẫu đơn bì, Lạp mai hoa.
Chính vì vậy, trong bài viết này chúng tôi đã tổng hợp và đưa ra danh sách một số loại thảo dược thường dùng, có thể gây tán huyết cho người mắc bệnh thiếu men G6PD để các bậc phụ huynh tham khảo và cân nhắc trước khi quyết định cho bé sử dụng thuốc.
DANH SÁCH THẢO DƯỢC KHUYẾN CÁO TRÁNH SỬ DỤNG |
CHO NGƯỜI MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD |
I. HOÀNG LIÊN ( RHIZOMA COPTIDIS)
Thành phần hóa học: Người ta đã biết trong thân rễ của Hoàng Liên có chứa berberin, coptisin, palmatin, jatrorrhizin và magnoflorin. Có tài liệu còn cho biết trong Hoàng Liên có chứa worenin, columbamin và có alcaloid có nhân phenol và alcaloid không có nhân phenol. Tính vị, tác dụng: Hoàng Liên có vị đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, táo thấp, tả hoả, tiêu sưng, làm sáng mắt. Người ta cũng đã nghiên cứu về các tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm gây bệnh, tác dụng kiện vị, giúp tiêu hoá, chống loét đường tiêu hoá, hạ huyết áp, phòng ngừa xơ vữa động mạch, tác dụng chống viêm, ... Công dụng: Hoàng Liên là vị thuốc bổ đắng, có tác dụng kiện vị, thường được dùng điều trị tiêu hoá kém, viêm dạ dày, trị oẹ khan, tả lỵ, bệnh trĩ, mất ngủ, hôn mê. Ngoài ta, Hoàng Liên còn dùng để trị ung nhọt, sưng tấy, tai mắt sưng đau, miệng lưỡi lở, thổ huyết, chảy máu cam. |
II. SÀI HỒ BẮC (RADIX BUPLEURI)
Thành phần hóa học: Sài hồ bắc chứa các hợp chất thuộc nhiều nhóm thành phần hóa học như saikosaponin, tinh dầu, flavonoid. Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính hơi hàn. Tác dụng thoái nhiệt thăng dương, giải uất, điều kinh. Công dụng: Dùng chữa sốt rét, nhức đầu chóng mặt, sốt thương hàn, kinh nguyệt không đều, hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đầy tức, miệng đắng tai ù. |
III. ĐỊA HOÀNG (RADIX REHMANNIAE)
Thành phần hoá học: Trong rễ của Địa Hoàng cóchứa catalpol, mannit, rehmannin, glucose và một ít caroten. Còn có tới 15 acid amin và D-glucozamin, acid phosphorie và các cacbohydrat, chủ yếu là stachyoza; còn có chất campesterol. Tính vị, tác dụng: Địa hoàng tươi có vị ngọt, đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt, mát máu. Sinh địa hoàng (Củ địa hoàng khô) có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tư âm dưỡng huyết. Thục địa hoàng có vị ngọt, mùi thơm, tính hơi ôn; có tác dụng nuôi thận, dưỡng âm, bổ huyết, làm đen râu tóc. Công dụng: - Sinh địa hoàng: dùng chữa bệnh huyết hư phát nóng, thổ huyết, băng huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, động thai, bệnh thương hàn, ôn dịch, phát ban chẩn, cổ họng sưng đau, huyết nhiệt, tân dịch khô. - Thục địa hoàng: dùng trị thận âm suy sinh ra các chứng nóng âm ỉ, bệnh tiêu khát (đái đường), đau họng, khí suyễn (khó thở), hư hoả bốc lâm sinh xuất huyết, làm sáng mắt, điều kinh, bổ huyết, sinh tinh, làm cho cơ thể tráng kiện. |
IV. CỐT KHÍ CỦ (RHIZOMA POLYGONI CUSPIDATI)
Thành phần hoá học: Rễ Cốt khí củ chứa physcin, emodin 8-0-b glucosid, b-sitosterol glucosid, 3.4.5. trihydroxystilben 3-0-b - 0 glucosid, polygonin, rheochrysin, polydatin, resveratol, cuspidatin. Tính vị, tác dụng: Cốt khí củ có vị đắng và chua, tính mát, có tác dụng khu phong, hoạt huyết, tiêu viêm, kháng sinh, chống virus, lợi tiểu, lợi sữa, chống ho, tiêu đờm. Công dụng: Phong thấp tê bại, đau nhức gân xương, ngã ứ huyết; Viêm gan cấp, viêm ruột, lỵ; Viêm amygdal, viêm hầu; Viêm khí quản, viêm phổi nhẹ; Viêm ruột cấp, nhiễm trùng đường niệu; Kinh nguyệt khó khăn, vô kinh, huyết hôi không ra (đẻ xong ứ huyết); Táo bón. |
V. MẪU ĐƠN BÌ (CORTEX MOUTAN)
Thành phần hóa học: Có paeonolide, paconol, paconiflorin; còn có acid benzoic, phytosterol, các glucosid, alcaloid, saponin. Tính vị, tác dụng: Vị đắng, cay, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết tán ứ, tán độc phá ban. Công dụng: Thường dùng chữa nhức đầu, đau khớp, thổ huyết, khạc ra máu, đái ra máu, cốt chưng lao nhiệt, kinh bế, thống kinh, ung thũng sang độc và đòn ngã tổn thương. |
VI. LẠP MAI HOA (FLOS CHIMONANTHI)
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc . Lạp mai hoa có tác dụng thúc đẩy sự bài tiết của nước bọt hay dịch cơ thể, làm giảm ho. Công dụng: Chữa các chứng bệnh như sốt cao phiền khát, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt, viêm đường hô hấp, giúp long đờm. |
VII. KIM NGÂN (FLOS LONICERAE)
Thành phần hoá học: Cây chứa tanin và một saponin. Hoa chứa một flavonoit là scolymosid lonicerin) và một số carotenoid (S. caroten, cryptoxanthin, auroxanthin), ở Ấn độ, người ta cho biết có luteolin và i-inositol. Quả mọng giàu carotenoid mà phần lớn là cryploxanthin. Lá chứa một glucosid gọi là loganin và khoảng 8% tanin. Tính vị tác dụng: Kim ngân có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Cây có tác dụng hạ nhiệt, lợi tiêu hoá và chống lỵ. Nước sắc Kim ngân có tác dụng kháng khuẩn, tác dụng trêu chuyển hoá chất béo, thêm đường huyết và chống choáng phản vệ, không có độc tính. Công dụng: Thường dùng trị mụn nhọt, ban sởi, mày đay, lở ngứa, nhiệt độc, lỵ, ho do phế nhiệt. Người ta còn dùng Kim ngân trị dị ứng (viêm mũi dị ứng và các bệnh dị ứng khác) và trị thấp khớp. Có thể chế thành trà uống mát trị ngoại cảm phát sốt, ho, và phòng bệnh viêm nhiễm đường ruột, giải nhiệt, tiêu độc, trừ mẩn ngứa rôm sẩy. |
VIII. NGƯU HOÀNG (CALCULUS BOVIS)
Chế biến: sỏi mật của ngưu hoàng (trâu) thu thập quanh năm, hoặc là mật của ngưu hoàng hoặc lợn có thể dùng thay thế. Sấy và nghiền thành bột hoặc làm thành viên. Thành phần hóa học: Cholic acid, desoxycholic acid, cholesterol, bilirubine, tauroccholic acid, glycine, alanine, methionine, asparagine, arginine, sodium, magnesium, calcium, phosphate, sắt, carotene, amino acid, vitamin D. Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính mát. Ngưu hoàng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tức phong chỉ kinh, khóat đàm khai khiếu. Công dụng: Chữa hầu họng sưng đau, lở lóet, mồm lưỡi lở, ung thư đinh độc, ôn nhiệt bệnh, trẻ em kinh phong, sốt cao mê man, kinh quyết co giật, động kinh, trúng phong hôn mê. |
IX. TRÂN CHÂU (PEARL POWDER)
Thành phần hoá học: Hoạt chất chưa rõ. Trong trân châu có caxicacbonat, chất hữu cơ. Tính vị, tác dụng: Theo tài liệu cổ, trân châu có vị ngọt mặn, tính hàn, vào hai kinh tâm và can. Có tác dụng làm thanh nhiệt, ích âm, trấn tâm, an thần, trừ đờm định quý, sáng mắt, giải độc. Dùng chữa phiền nhiệt, tiêu khát, giật mình, họng đau, mắt đỏ, có màng mộng. Không trực hỏa, tà nhiệt không được dùng. Công dụng: Còn dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc trấn tĩnh, chữa sung huyết ở trên đầu và mặt, buốt đầu không ngủ, viêm niêm mạc miệng. Dùng ngoài điểm vào mắt để tan màng mộng. Vì vị thuốc này rất cứng khi dùng phải mài cho nhỏ mịn. |
Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh thiếu men G6PD, chăm sóc sức khỏe những người bị bệnh Thiếu men G6PD, Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet Việt Nam đã tạo ra nhóm facebook "Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Bệnh thiếu men G6PD - Bionet Việt Nam" . Với hơn 10 năm kinh nghiệm triển khai xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh bệnh Thiếu men G6PD, Bionet hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị về tri thức và nhân văn cho tất cả các thành viên tham gia nhóm thông qua các hoạt động:
+ Cung cấp kho thông tin đầy đủ, chính thống, hữu ích qua nhiều dạng tài liệu trong nước và quốc tế
+ Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bệnh Thiếu men G6PD và cuộc sống khỏe mạnh thực tế của những người mắc bệnh thiếu men G6PD
+ Hỗ trợ giải đáp những vấn đề liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán, chắm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD
+ Tổ chức những hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thiếu men G6PD
+ Tổ chức các hoạt động thực tế hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh thiếu men G6PD
Click vào đường link: https://www.facebook.com/groups/Bionet.G6PD để tham gia nhóm ngay nhé!
Nguồn: Bionet tổng hợp
Tài liệu tham khảo
1. http://www.lrc-hueuni.edu.vn/
2. http://www.thaythuoccuaban.com/
3. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18515042
- TỔNG QUAN XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN GENE BỆNH THIẾU MEN G6PD TẠI BIONET VIỆT NAM (13/05/2022)
- XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN SINH HÓA BỆNH THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (30/03/2022)
- NHỮNG LƯU Ý VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG, DÙNG THUỐC CỦA MẸ TRONG GIAI ĐOẠN CHO CON MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD BÚ MẸ (12/02/2022)
- LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TRỊ HO CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD - NĂM 2022 (21/01/2022)
- NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC GIẢM ĐAU/HẠ SỐT CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (20/01/2022)
Lượng truy cập hiện tại: 1
Lượng truy cập trong ngày: 2099
Tổng lượng truy cập: 10938077