MỐI NGUY HIỂM CỦA VIỆC DƯ THỪA SẮT Ở TRẺ MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD
12:12:5701/12/2015Trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD khi tiếp xúc với các tác nhân oxi hóa thường dễ dẫn đến tan máu, gây tình trạng thiếu máu. Nhiều bậc cha mẹ thường cố gắng tìm cách bổ sung sắt để thúc đẩy quá trình tạo máu trong cơ thể cho trẻ. Điều này liệu có đúng không? Và việc bổ sung sắt có ảnh hưởng gì với trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD? Bài viết sau sẽ đề cập chi tiết đến vấn đề này.
1. VAI TRÒ VÀ SỰ CHUYỂN HÓA SẮT TRONG CƠ THỂ
Sắt là nguyên tố cần thiết trong quá trình tạo máu. Cụ thể, sắt là một thành phần quan trọng tham gia quá trình tổng hợp hemoglobin trong tế bào hồng cầu (chất vận chuyển oxy cho các tế bào trong cơ thể) và myoglobin (chất dự trữ oxy cho cơ thể).Ngoài ra, sắt còn là thành phần của một số enzyme oxy hóa khử trong các tế bào.
Sắt là thành phần chính tổng hợp hemoglobin trong tế bào hồng cầu
Thiếu hụt sắt trong cơ thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tổng hợp hemoglobin và myolobin, từ đó gây tình trạng thiếu máu. Thêm vào đó, thiếu sắt cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa của tế bào do thiếu hụt các enzyme có chứa sắt. Do vậy, các bác sĩ thường kê thuốc bổ sung sắt cho những người bị thiếu máu.
Trong cơ thể bình thường, nhu cầu sắt hàng ngày để tạo hồng cầu là 20 - 25mg sắt. Nhu cầu sắt trong cơ thể sẽ tăng lên trong một số trường hợp như mất máu qua các chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em tuổi dậy thì. Tuy nhiên hầu như toàn bộ lượng sắt cần thiết để sản xuất hồng cầu mới đều được tái sử dụng từ quá trình phân huỷ hồng cầu già. Cụ thể: Sau khi hồng cầu chết đi, sắt được chuyển từ hemoglobin sang đại thực bào (khoảng 20 mg/ngày). Sau đó protein vận chuyển transferrin lấy sắt từ đại thực bào chuyển đến tủy xương để cung cấp cho các nguyên hồng cầu tổng hợp hemoglobin mới (cũng khoảng 20mg/ngày).
Do đó chỉ cần bổ sung 1mg sắt/ngày là đủ bù lại lượng sắt mất đi mỗi ngày.
Cơ thể không có cơ chế kích hoạt để đào thải sắt khi lượng sắt bị dư thừa. Sắt chỉ bị mất đi qua việc bong tế bào niêm mạc ở da, niêm mạc ruột và 1 lượng nhỏ qua nước tiểu, mồ hôi. Quá trình này diễn ra khá chậm. Bởi vậy, khi sắt bị dư thừa và không được đào thải kịp sẽ gây nên ảnh hưởng vô cùng độc hại với cơ thể, là thủ phạm của nhiều bệnh tật, đặc biệt là ung thư.
Sơ đồ chuyển hóa sắt trong cơ thể
2. BỆNH QUÁ TẢI SẮT (Hemochromatosis)
Bệnh quá tải sắt (iron overload hay Hemochromatosis) là một rối loạn gây ra do trong cơ thể có sự dư thừa sắt, lượng sắt dư thừa bị quá tải và cuối cùng dẫn đến tổn thương mô và các cơ quan. Bệnh có thể do yếu tố di truyền hoặc yếu tố thứ phát: Thalassemia, thiếu máu sideroblastic, người đã được truyền máu với số lượng lớn, bệnh thiếu hụt enzyme G6PD, nghiện rượu mạn tính...
Hình ảnh các cơ quan bị ảnh hưởng khi dư thừa sắt
Dấu hiệu phát hiện bệnh thừa sắt
Đau khớp là triệu chứng phổ biến nhất của những người bị bệnh quá tải sắt. Các triệu chứng khác bao gồm: mệt mỏi, thiếu năng lượng, đau bụng và các bệnh tim. Nhưng trên thực tế, nhiều bệnh nhân vẫn không có triệu chứng lâm sàng khi khám bệnh. Để chẩn đoán đúng bệnh bác sĩ sẽ cần làm các xét nghiệm: Xét nghiệm máu thấy sắt trong huyết thanh cao hơn bình thường, Transferrin bão hòa cao hơn 45% được coi là quá cao; sinh thiết gan thấy sắt đã tích lũy trong gan và có tổn thương gan; siêu âm tim để kiểm tra chức năng của tim; chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ để phát hiện tổn thương các cơ quan nội tạng.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sắt tích tụ trong các mô dẫn đến các bệnh nặng như: viêm khớp; gan to, xơ gan, ung thư và suy gan; tổn thương tuyến tụy, có thể gây ra bệnh tiểu đường; loạn nhịp tim, suy tim sung huyết; bất lực ở nam giới; mãn kinh sớm ở nữ; da có màu xám hoặc đồng; suy nhược tuyến giáp; tổn thương tuyến thượng thận...
3. DƯ THỪA SẮT Ở TRẺ MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD
Ở những trẻ mắc bệnh Thiếu men G6PD rất dễ xảy ra tình trạng tan máu do tế bào hồng cầu bị phá hủy khi tiếp xúc với các tác nhân oxi hóa, sử dụng một số loại thuốc, thức ăn, khi cơ thể bị nhiễm trùng ….Các hồng cầu khi bị phá hủy sẽ giải phóng ra một lượng sắt nhất định. Nếu cơ thể không đào thải kịp, sắt sẽ bị tích tụ lại trong các cơ quan đặc biệt là ở da, tim, gan, tuyến tụy và khớp xương cuối cùng dẫn đến tổn thương mô và các cơ quan.
Bởi vậy một điều quan trọng với người mắc bệnh thiếu men G6PD là phải kiểm soát được lượng sắt trong cơ thể, không được để vượt ngưỡng quá cao. Người bị bệnh không được tự ý bổ sung sắt khi không có chỉ định của bác sĩ. Trong các tài liệu cũng khuyến cáo người bị bệnh thiếu men G6PD nên hạn chế sử dụng vitamin C nhân tạo (axit ascorbic) bởi vitamin C làm tăng khả năng hấp thụ của sắt vào cơ thể lên gấp 10 lần.
Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh thiếu men G6PD, chăm sóc sức khỏe những người bị bệnh Thiếu men G6PD, Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet Việt Nam đã tạo ra nhóm facebook "Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Bệnh thiếu men G6PD - Bionet Việt Nam" . Với hơn 10 năm kinh nghiệm triển khai xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh bệnh Thiếu men G6PD, Bionet hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị về tri thức và nhân văn cho tất cả các thành viên tham gia nhóm thông qua các hoạt động:
+ Cung cấp kho thông tin đầy đủ, chính thống, hữu ích qua nhiều dạng tài liệu trong nước và quốc tế
+ Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bệnh Thiếu men G6PD và cuộc sống khỏe mạnh thực tế của những người mắc bệnh thiếu men G6PD
+ Hỗ trợ giải đáp những vấn đề liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán, chắm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD
+ Tổ chức những hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thiếu men G6PD
+ Tổ chức các hoạt động thực tế hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh thiếu men G6PD
Click vào đường link: https://www.facebook.com/groups/Bionet.G6PD để tham gia nhóm ngay nhé!
Hãy trang bị những kiến thức về bệnh thiếu men G6PD
để giúp trẻ có một cuộc sống khỏe mạnh!
Nguồn Bionet
-----------------------
Tài liệu tham khảo
1.http://g6pddeficiency.org/wp/2014/11/26/dangers-iron-overload-g6pd-deficient-people/#.VlPRBdKLTcc
2. http://g6pddeficiency.org/wp/faq/good-bad-iron/#.VlPRP9KLTcc
3.http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/roi-loan-do-qua-tai-sat-20140116004617892.htm
4.http://www.dieutri.vn/bghuyethoctruyenmau/6-8-2015/S7172/Chuyen-hoa-sat-va-thieu-mau-thieu-sat.htm
- TỔNG QUAN XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN GENE BỆNH THIẾU MEN G6PD TẠI BIONET VIỆT NAM (13/05/2022)
- XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN SINH HÓA BỆNH THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (30/03/2022)
- NHỮNG LƯU Ý VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG, DÙNG THUỐC CỦA MẸ TRONG GIAI ĐOẠN CHO CON MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD BÚ MẸ (12/02/2022)
- LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TRỊ HO CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD - NĂM 2022 (21/01/2022)
- NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC GIẢM ĐAU/HẠ SỐT CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (20/01/2022)
Lượng truy cập hiện tại: 1
Lượng truy cập trong ngày: 9916
Tổng lượng truy cập: 11053647