NHỮNG LƯU Ý VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG, DÙNG THUỐC CỦA MẸ TRONG GIAI ĐOẠN CHO CON MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD BÚ MẸ
09:57:1712/02/2022Trong giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ có nguồn dinh dưỡng chính là sữa mẹ. Vì vậy trong trường hợp trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu men G6PD hoặc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD thì vấn đề dinh dưỡng, sử dụng thuốc của người mẹ cũng được quan tâm. Cần lưu ý gì để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thời gian bú mẹ? Trong bài viết này Bionet sẽ cung cấp một số thông tin làm nguồn tham khảo, hy vọng thông qua bài viết sẽ phần nào giải đáp được những băn khoăn của các bố mẹ!
1. Chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc của mẹ ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú
Nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của người lớn và trẻ nhỏ đều gồm các nhóm dưỡng chất chính là: carbonhydrate, protein, chất béo, vitamin, khoáng chất, … Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi cơ thể sẽ cần thành phần và hàm lượng dưỡng chất là khác nhau. Nguồn dinh dưỡng đáp ứng cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ theo từng giai đoạn là [1]:
+ Trẻ sơ sinh (0-6 tháng tuổi): Trẻ không cần bất kì nguồn dinh dưỡng nào khác ngoài sữa. Sữa mẹ được ưu tiên hơn cả, nếu sữa mẹ không đủ thì sữa công thức cũng là 1 sự lựa chọn bổ sung.
+ Trẻ từ 6-12 tháng tuổi: Sữa mẹ, sữa công thức, bột ăn dặm và các thực phẩm khác (thức ăn đặc)
+ Trẻ từ 12-24 tháng tuổi: Sữa mẹ, sữa công thức, sữa tươi, …và các nguồn thực phẩm khác. Nên cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi nếu có thể
+ Trẻ trên 2 tuổi: Nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm là chính, có thể bổ sung thêm sữa tươi, sữa bột
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ sơ sinh
Như vậy, sữa là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ trong giai đoạn từ 0-6 tháng tuổi. Sữa mẹ chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Sữa mẹ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của trẻ và theo chế độ dinh dưỡng của người mẹ. Chính vì vậy khi mẹ sử dụng thuốc hay thực phẩm, những thành phần được cơ thể mẹ hấp thu thì cũng có thể theo sữa mẹ nạp vào cơ thể con. Nếu mẹ sử dụng một số thuốc hoặc thực phẩm có chứa chất oxi hóa mạnh thì chất này có thể theo sữa vào cơ thể con và gây tán huyết cho trẻ bị thiếu men G6PD [2].
Minh chứng rõ ràng về việc chất oxi hóa mạnh có trong thực phẩm mẹ sử dụng sẽ theo sữa vào cơ thể con và gây tán huyết cho trẻ đó là sau khi mẹ ăn đậu răng ngựa (đậu Fava) và cho con bú thì con xuất hiện hiện tượng tán huyết đặc trưng của trẻ bị thiếu men G6PD. Cụ thể, đã có trường hợp ghi nhận 4 trẻ sơ sinh ở Ả Rập bú sữa mẹ hoàn toàn có các triệu chứng biếng ăn, da xanh xao, nước tiểu có màu cam đậm sau khi mẹ ăn đậu Fava 2 – 3 ngày, tất cả các trẻ này đều được xác định mắc bệnh thiếu men G6PD. Một trường hợp khác ở Israel, trẻ nam được phát hiện vàng da và tăng bilirubin ở 36 giờ tuổi, mẹ của trẻ cho biết đã ăn đậu fava trong vài ngày trước khi sinh,… [3]
Chính vì những lý do trên, các mẹ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc khi đang cho con mắc bệnh thiếu men G6PD bú mẹ. Các chất oxi hóa từ thực phẩm và thuốc có thể theo sữa mẹ vào cơ thể trẻ và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ với mức độ khác nhau tùy thuộc vào loại chất oxi hóa, lượng dùng và tình trạng bệnh của trẻ. Mẹ chỉ cần tránh những thực phẩm và thuốc trong danh sách cần tránh sử dụng cho người bị thiếu men G6PD (đặc biệt đối với các thực phẩm và thuốc thuộc nhóm cần tránh tuyệt đối cho người thiếu men G6PD) thì có thể nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn bình thường.
Nếu nhận được kết quả sàng lọc sơ sinh là trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu men G6PD, các mẹ nên lưu ý chế độ dinh dưỡng và sử dụng thuốc cho mẹ như một người bị bệnh thiếu men G6PD cho đến khi trẻ có kết quả chẩn đoán xác định bệnh. Việc này giúp hạn chế tối đa các chất oxi hóa có thể qua sữa mẹ ảnh hưởng tới trẻ nếu chẳng may trẻ thực sự bị bệnh. Trong trường hợp kết quả chẩn đoán xác định trẻ bị bệnh thiếu men G6PD, mẹ cần tiếp tục duy trì chế độ dinh dưỡng và sử dụng thuốc như khuyến cáo cho tới hết thời gian cho con bú. Nếu kết quả chẩn đoán xác định trẻ không bị bệnh thiếu men G6PD thì khi đó mẹ có thể sử dụng chế độ dinh dưỡng, thuốc, … bình thường.
2. Lưu ý khi sử dụng bột lợi sữa, thảo mộc lợi sữa
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng được ưu tiên trong giai đoạn đầu đời của trẻ vậy nên để có đủ sữa cho trẻ thì việc sử dụng bột lợi sữa hoặc thảo mộc lợi sữa thường được các mẹ tin dùng. Các mẹ có con có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu men G6PD hoặc có con bị bệnh thiếu men G6PD đang cho con bú cần lưu ý một số nội dung như sau:
- Kiểm tra kỹ thành phần các loại bột lợi sữa trước khi mua và sử dụng: Các loại bột lợi sữa không nên có thành phần là các loại hạt họ đậu: Đậu tương, đậu xanh, đậu ngự, ... Các loại hạt có thể dùng thay thế: hạnh nhân, óc chó, yến mạch, gạo lứt, hạt sen, ...
- Tự làm bột lợi sữa hoặc đặt theo yêu cầu riêng về các loại hạt
- Các loại thảo mộc lợi sữa: chưa có ghi nhận rõ ràng về các loại thảo mộc lợi sữa có ảnh hưởng đến trẻ bị Thiếu men G6PD. Cần theo dõi kỹ càng trong quá trình sử dụng
- Kích sữa bằng phương pháp hút sữa đều đặn cũng là một cách an toàn và hiệu quả để mẹ có đủ sữa cho con
- Uống đủ nước, uống nước ấm, ngủ đủ giấc và giữ cho tinh thần thoải mái cũng giúp cho nguồn sữa mẹ được dồi dào hơn
Nên sử dụng các loại bột lợi sữa từ các hạt như: hạt nhân, óc chó, …
Cần nhớ rằng ảnh hưởng của các chất oxi hóa qua sữa mẹ tới các trẻ bị thiếu men G6PD là khác nhau tùy thuộc vào mức độ bệnh của từng trẻ, loại chất oxi hóa, lượng chất oxi hóa. Các biểu hiện bệnh có thể thoáng qua khó quan sát được nếu như trẻ bị bệnh ở mức độ nhẹ và lượng chất oxi hóa không nhiều, loại chất oxi hóa qua sữa mẹ không quá mạnh. Ngược lại đối với trẻ bị bệnh ở mức độ nghiêm trọng, chất oxi hóa mạnh và sử dụng thường xuyên liên tục thì các triệu chứng dễ nhận biết bằng mắt thường. Trong trường hợp nếu mẹ có sử dụng bột lợi sữa có thành phần các loại hạt họ đậu (hoặc loại thực phẩm thuộc danh sách hạn chế sử dụng đối với người thiếu men G6PD) và cho con bú thì gia đình cần phải quan sát kỹ biểu hiện của trẻ sau khi bú. Nếu như quan sát bé có các biểu hiện bất thường như: vàng da hoặc vàng da mắt, nước tiểu sẫm màu như coca, da xanh xao, ... mẹ cần xem xét lại loại bột lợi sữa, thảo mộc, chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc để ngưng sử dụng ngay nguồn chất oxi hóa mạnh có thể đã theo sữa ảnh hưởng đến con. Khi mẹ ngưng sử dụng đúng nguồn chất oxi hóa, thì các triệu chứng của bé sẽ giảm dần trong vài ngày. Trường hợp các biểu hiện quá nghiêm trọng và đáng lo ngại cần lập tức đưa bé tới bênh viện để được hỗ trợ y tế.
3. Vấn đề bổ sung sắt cho mẹ có con mắc bệnh thiếu men G6PD trong giai đoạn trẻ bú mẹ
Sắt có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể người gồm: Sắt đóng vai trò quan trọng để tạo hồng cầu; vận chuyển O2 và CO2 trong quá trình hô hấp; hô hấp tế bào; tham gia vào thành phần của enzyme trong hệ miễn dịch; đóng vai trò trong sự phát triển trí não ở trẻ; tham gia vào quá trình phát triển của bào thai, nhau thai; … Ở mỗi độ tuổi hay giai đoạn nhất định, cơ thể cần được cung cấp đủ lượng sắt khác nhau để đáp ứng quá trình trao đổi chất và phát triển bình thường [4].
Trong quá trình mang thai, phụ nữ cần 1000 mg sắt để làm tăng khối lượng máu mẹ, cung cấp máu cho thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh. Theo khuyến cáo của WHO, thai phụ cần bổ sung 30 – 60 mg sắt / ngày. Sau sinh, nếu mẹ cho con bú 6 tháng đầu mẹ nên bổ sung lượng sắt như khi mang thai. Lượng sắt trong sữa mẹ rất thấp (chỉ khoảng 0.3 mg) và sẽ không tăng lên khi mẹ bổ sung sắt vì thế cũng sẽ không ảnh hưởng đến trẻ thiếu men G6PD bú mẹ [5] [6].
Việc bổ sung sắt ở dạng viên uống cần lưu ý về liều lượng và loại thuốc sắt sử dụng để tránh tình trạng thừa sắt. Khi cơ thể thừa sắt sẽ gây ra một loạt các vấn đề nghiệm trọng khác như: Viêm khớp; gan to, xơ gan, ung thư và suy gan; tổn thương tuyến tụy, có thể gây ra bệnh tiểu đường; loạn nhịp tim, suy tim sung huyết; mãn kinh sớm; da có màu xám hoặc đồng; suy nhược tuyến giáp; tổn thương tuyến thượng thận; … Các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng và loại thuốc sắt để bổ sung đúng và đủ lượng sắt cơ thể cần.
Bổ sung sắt với liều lượng phù hợp vẫn có thể gặp một số tác dụng phụ như: táo bón; đau bụng; buồn nôn; phân đậm màu xanh hoặc đen; chán ăn; … Để cải thiện tình trạng trên các mẹ có thể bổ sung các loại rau giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi) có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ lượng sắt tốt hơn và các loại thực phẩm tốt cho tiêu hóa điển hình như: chuối chín, khoai lang, bông cải xanh, bột yến mạch, … [7] [8]
Có thể bổ sung sắt thông qua các thực phẩm giàu sắt
Ngoài ra, mẹ đang cho con bú cũng có thể bổ sung sắt nhờ ăn các thực phẩm giàu sắt hằng ngày. Các thực phẩm giàu sắt bao gồm: Thịt đỏ, cá, trứng, gan và các loại nội tạng, bông cải xanh, cải xoăn, rau bina, hạt bí ngô, diêm mạch, … Bảng dưới đây liệt kê một số thực phẩm, hàm lượng sắt tương ứng giúp cho các mẹ có thể tham khảo và lựa chọn sử dụng:
Bảng hàm lượng một số thực phẩm giàu sắt [9]
Nguồn thực phẩm giàu sắt | Hàm lượng sắt (mg/100g) |
Gan heo | 12 |
Gan bò | 9 |
Hạt bí ngô | 8.8 |
Gan gà | 8.8 |
Tim gà | 5.96 |
Tim heo | 5.9 |
Gan vịt | 4.8 |
Thịt bò | 3.1 |
Trai | 3 |
Trứng | 2.7 - 3.2 |
Nghêu (Ngao) | 2.8 |
Rau chân vịt | 2.7 |
Sò | 1.9 |
Thịt heo | 1.5 |
Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh thiếu men G6PD, chăm sóc sức khỏe những người bị bệnh Thiếu men G6PD, Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet Việt Nam đã tạo ra nhóm facebook "Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Bệnh thiếu men G6PD - Bionet Việt Nam" . Với hơn 10 năm kinh nghiệm triển khai xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh bệnh Thiếu men G6PD, Bionet hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị về tri thức và nhân văn cho tất cả các thành viên tham gia nhóm thông qua các hoạt động:
+ Cung cấp kho thông tin đầy đủ, chính thống, hữu ích qua nhiều dạng tài liệu trong nước và quốc tế
+ Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bệnh Thiếu men G6PD và cuộc sống khỏe mạnh thực tế của những người mắc bệnh thiếu men G6PD
+ Hỗ trợ giải đáp những vấn đề liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán, chắm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD
+ Tổ chức những hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thiếu men G6PD
+ Tổ chức các hoạt động thực tế hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh thiếu men G6PD
Click vào đường link: https://www.facebook.com/groups/Bionet.G6PD để tham gia nhóm ngay nhé!
Nguồn: Bionet Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]: https://benhvienthanhvubaclieu.com/kien-thuc-y-khoa/news/dinh-duong-dung-cho-tre-theo-tung-do-tuoi.html
[2]: James Abbey, MD. Breastfeeding Challenges with G6PD: Not as Bad as it Looks. Infant Risk Center. 2014
(https://www.infantrisk.com/content/breastfeeding-challenges-g6pd-not-bad-it-looks)
[3]: Fava Beans - Drugs and Lactation Database (LactMed) - NCBI Bookshelf (nih.gov)
(https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532498/)
[4]: https://www.vinmec.com/vi/co-the-nguoi/sat-18/
[5]: Ts. Trần Thúy Nga. Vai trò của Sắt với phụ nữ mang thai. Viện Dinh dưỡng
(http://vichat.viendinhduong.vn/165/print-article.html)
[6]: BS. Nguyễn Thanh Sang. Bổ sung sắt đúng cách cho thai phụ và con. VN Express (online)
(https://vnexpress.net/bo-sung-sat-dung-cach-cho-thai-phu-va-con-3965919.html)
[7] https://ferrumplus.vn/tac-dung-phu-thuong-gap-khi-bo-sung-sat
[8] https://www.marrybaby.vn/benh-tre-em/mach-me-10-loai-thuc-pham-vang-chua-tao-bon-cho-tre-hieu-qua
[9]: https://voh.com.vn/dinh-duong/top-13-thuc-pham-bo-sung-sat-giup-phong-tranh-thieu-mau-343380.html
- TỔNG QUAN XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN GENE BỆNH THIẾU MEN G6PD TẠI BIONET VIỆT NAM (13/05/2022)
- XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN SINH HÓA BỆNH THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (30/03/2022)
- LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TRỊ HO CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD - NĂM 2022 (21/01/2022)
- NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC GIẢM ĐAU/HẠ SỐT CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (20/01/2022)
- NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG MỸ PHẨM, THUỐC BÔI DA CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD – PHẦN 2 (21/05/2021)
Lượng truy cập hiện tại: 1
Lượng truy cập trong ngày: 6400
Tổng lượng truy cập: 10200328