Trung tâm sàng lọc sơ sinh Bionet Việt Nam

Sàng lọc sơ sinh là chương trình thực hiện xét nghiệm cho các bé sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.

 

Trung tâm sàng lọc sơ sinh

Bionet Việt Nam

LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TRỊ HO CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD - NĂM 2022

11:47:2421/01/2022

     Thông thường khi trẻ bị ho, các bố mẹ thường sử dụng siro ho với mục đích cắt nhanh cơn ho của trẻ. Tuy nhiên, có phải khi nào trẻ cũng có thể sử dụng siro ho? Sử dụng loại nào là an toàn cho trẻ thiếu men G6PD? Trong bài viết này, Bionet sẽ cung cấp cho bố mẹ một số lưu ý khi sử dụng thuốc trị ho cho trẻ thiếu men G6PD.

1. Hiểu về triệu chứng ho

     Ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể nhằm tống ra khỏi đường hô hấp các chất dịch, đàm do phế quản hay phổi tiết ra hoặc các dị vật từ ngoài lọt vào như: thức ăn, bụi... Tùy vào nguyên nhân mà tính chất ho và đặc điểm bệnh lý sẽ khác nhau. Có rất nhiều nguyên nhân gây ho như:

  • Đường hô hấp trên: cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan
  • Đường hô hấp dưới: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi
  • Nguyên nhân khác: trào ngược dạ dày thực quản, ho do dị ứng, do mắc các dị vật, tác nhân hóa học (thuốc lá, …)

Phân biệt một số nguyên nhân ho ở trẻ [1]:

Bảng 1: Các nguyên nhân gây ho ở trẻ và cách xử trí

Nguyên nhân Triệu chứng Cách xử trí
Bệnh hen suyễn                    

Cơn ho dai dẵng kèm theo những tiếng rít khẽ và khò khè, kéo dài hơn 10 ngày và trở nặng vào ban đêm

Các biểu hiện khác: thở nhanh, tiếng thở bị khô, khò khè
Bố mẹ hãy đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị bệnh khoa học và dứt điểm
Viêm tiểu phế quản

Cơn ho có đờm, khò khè, thường kéo theo hơi thở nhanh, nông và khó khăn

Các biểu hiện khác: các triệu chứng của cảm lạnh (hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi) trong một tuần, sau đó có cơn sốt khoảng trên 39°C, trẻ ngủ lịm đi và thở ra tiếng khò khè
Các bố mẹ hãy đưa trẻ đi khám khi phát hiện thấy trẻ khó thở và chán ăn. Trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản cần được nhập viện để điều trị bằng khí oxygen. Nếu trẻ chỉ bị viêm nhẹ (chỉ ho khò khè mà không bị khó thở), bố mẹ có thể đặt thêm máy phun sương trong phòng ngủ để giúp trẻ long đờm trong phổi và đảm bảo trẻ uống đủ nước
Cảm lạnh

Trẻ ho ướt (ho có đờm, sặc nước bọt) nhưng hơi thở không bị khô, khò khè, thở nhanh bất kể ngày hay đêm

Các biểu hiện khác: hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt và có khi sốt nhẹ 

Giữ cho mũi của trẻ luôn sạch và thông thoáng. Các mẹ hãy nhỏ nước muối sinh lý và giúp con hút các chất bẩn trong mũi, nước mũi ra bằng cách dùng ống hút mũi theo hướng dẫn của bác sỹ. Các loại thuốc thông mũi có thể được sử dụng cho trẻ trên 2 tuổi. Nên tham khảo ý kiến của các bác sỹ trước khi cho trẻ dùng thuốc, vì có thể trẻ bị viêm xoang hoặc các căn bệnh khác như hen, suyễn, viêm họng
Viêm tắc thanh quản

Tiếng ho chát chúa, khô khốc và khác biệt so với các cơn ho khác và thường bắt đầu vào buổi đêm

Các biểu hiện khác: thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm, trẻ có thể bị sốt nhẹ. Trong trường hợp mặt trẻ tím lại, hơi thở gay gắt và có tiếng the thé khi trẻ hít vào, hơi giống với tiếng rít khi trẻ khóc thét lên

Hãy ngồi với trẻ trong phòng tắm khoảng 5 phút. Độ ẩm ướt trong phòng tắm sẽ giúp trẻ long đờm trong phổi và kiềm chế cơn ho. Ban đêm nếu nhiệt độ trở lạnh, hãy ủ ấm trẻ trong chăn và mặc quần áo dài, để cửa sổ mở và không khí tràn vào phòng để giúp đường hô hấp của trẻ đỡ sưng

Hãy liên hệ ngay bác sỹ nếu thấy trẻ có biểu hiện xấu hơn hoặc thở ngày càng nặng nhọc hơn. Lưu ý rằng, căn bệnh này thường chỉ kéo dài 3-4 ngày
Trào ngược dạ dày thực quản                                                      

Tiếng ho khàn, khò khè, lách cách đứt quãng và dai dẳng sau khi ăn xong. Cơn ho trở nên tệ hơn khi trẻ nằm xuống.

Các biểu hiện khác: trẻ cảm thấy nóng rát và buồn nôn hoặc ợ khi nuốt xuống

Bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện nếu cơn khò khè kéo dài hơn 2 tuần.

Nên giữ cho trẻ ngồi thẳng ít nhất 30 phút sau khi ăn, để gối cao đầu trong lúc ngủ. Với những trẻ lớn không nên ăn một số loại thức ăn có khả năng làm bệnh nặng hơn như nước uống có ga, có caffein, socola, bạc hà, đồ ăn cay, các loại quả có axit như cam, cà chua hay các loại đồ ăn nhanh nhiều chất béo. Đặc biệt không được ăn trong vòng 2 tiếng trước khi đi ngủ
Ho gà

Tiếng ho khan, khô khốc và rất nhanh. Khi trẻ hít vào mạnh tạo nên âm thanh the thé như tiếng gà.

Các biểu hiện khác: trước khi bị ho gà trẻ có triệu chứng của bệnh cảm lạnh nhưng không sốt. Khi trẻ quá mệt có thể dẫn tới hiện tượng co giật và ngừng thở 
Ho gà cần được nhập viện để bác sỹ kiềm chế cơn ho và hút đờm từ cổ họng cho trẻ. Căn bệnh này thường được trị bằng thuốc kháng sinh và có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng

2. Lưu ý khi sử dụng thuốc trị ho ở người thiếu men G6PD

     Thông thường khi trẻ bị ho, các bố mẹ thường sử dụng siro ho với mục đích cắt nhanh cơn ho. Tuy nhiên, sử dụng siro ho không hề đơn giản vì nếu dùng quá liều có thể ảnh hưởng đến thần kinh và gây nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi [2]. Ngoài ra, ho giúp cơ thể thực hiện loại bỏ các chất xuất tiết từ đường hô hấp, giúp trẻ long đờm, nuốt vào trong hoặc khạc ra bên ngoài được dễ dàng. Do vậy, việc lạm dụng siro ho để ức chế ho dẫn đến tình trạng trẻ không ho được sẽ khiến đờm ứ đọng, tắc nghẽn trong đường thở, làm trẻ khó thở và có thể dẫn tới nguy cơ xấu với sức khỏe của trẻ.

     Đối với người mắc bệnh thiếu men G6PD thường không có đủ enzyme G6PD để bảo vệ tế bào hồng cầu trước những tác nhân oxy hóa mạnh. Người mắc bệnh này có hồng cầu kém ổn định và dễ bị tổn thương bởi các tác nhân oxy hóa mà cơ thể hấp thụ được từ thức ăn, thuốc, ... Hiện tượng tán huyết có thể xảy ra khi trẻ sử dụng các loại thuốc chứa chất oxy hóa mạnh dẫn đến vàng da bệnh lý, thiếu máu, suy thận, ... Khi sử dụng thuốc ho cho trẻ bị thiếu men G6PD cần đặc biệt lưu ý các thành phần để lựa chọn đúng loại thuốc không chứa chất oxi hóa và an toàn cho trẻ.

     Một số sản phẩm siro ho trong thành phần có chứa chiết xuất từ bạc hà (menthol) vì chúng có tác dụng làm dịu cơn ho và tiêu tan đờm. Tuy nhiên, đây là tác nhân oxi hóa có thể gây tán huyết đối với người thiếu men G6PD [3] [4], nên bố mẹ cần cân nhắc trước khi sử dụng cho trẻ.

     Khi trẻ gặp vấn đề về sức khỏe và được bác sĩ thăm khám, kê đơn thuốc thì bố mẹ cần thông báo về tình trạng bệnh thiếu men G6PD của trẻ cho bác sĩ. Nếu bé mới chỉ làm xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh thì thông báo cho bác sĩ kết quả là bé có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu men G6PD. Nếu bé đã làm xét nghiệm chẩn đoán sinh hóa máu tĩnh mạch thì thông báo với bác sĩ bé mắc bệnh thiếu men G6PD. Nếu bé đã làm xét nghiệm chẩn đoán gene xác định được đột biến và biết mức độ bệnh của bé thì thông báo với bác sĩ bé mắc bệnh ở mức độ nào theo phân loại của WHO. Dựa vào các thông tin gia đình cung cấp và tình trạng của trẻ khi đến khám bác sĩ sẽ kê đơn và có phác đồ điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, bố mẹ nên mang theo danh sách thành phần thuốc cần tránh cho trẻ bị thiếu men G6PD để cung cấp cho bác sĩ thêm khi cần thiết.

     Bố mẹ cũng cần có thói quen xem thành phần thuốc và chủ động tra cứu thành phần thuốc theo danh sách các thành phần thuốc cần tránh tuyệt đối hoặc hạn chế sử dụng cho người bị thiếu men G6PD. Việc này là cần thiết ngay cả với các loại thuốc đã được các bác sĩ kê đơn cho con để yên tâm khi sử dụng. Quan sát trên vỏ hộp thuốc và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để thấy tên thành phần thuốc và đối chiếu với bảng các thành phần chất oxi hóa trong các loại thuốc để không sử dụng nếu là thành phần cần tránh tuyệt đối hoặc hạn chế sử dụng nếu thành phần thuốc cần hạn chế sử dụng.

Ví dụ: Thuốc ho Center có chứa thành phần menthol, cần hạn chế sử dụng cho người thiếu men G6PD.

Hình 1: Thuốc có chứa Menthol cần hạn chế sử dụng cho trẻ thiếu men G6PD

     Một số loại thuốc ho được tổng hợp để các gia đình tham khảo. Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý về liều lượng sử dụng, một số loại thuốc cần sử dụng theo đơn chỉ định của bác sỹ để chữa bệnh một cách hiệu quả.

Bảng 1: Một số loại thuốc ho các gia đình thường quan tâm và khuyến cáo sử dụng dựa theo thành phần

STT Tên Hình minh họa Khuyến cáo
1 Tinh chất trị ho Ivy Kid Có thể sử dụng 
2 Prospan Có thể sử dụng 
3 Paburon S Có thể sử dụng 
4 Thuốc Amucopect New for children Có thể sử dụng 
5 Cao lỏng vượng khí Có thể sử dụng 
6 Siro đặc trị cảm cúm Children's Cold & Flu Có thể sử dụng 
7 SiroNASAKI Có thể sử dụng 
8 Astex Cân nhắc trước khi sử dụng vì sản phẩm có chứa cineol
Với liều lượng thấp có thể sử dụng
9 Ivy Extra Cân nhắc trước khi sử dụng vì sản phẩm có chứa cineol
Với liều lượng thấp có thể sử dụng
10 Siro ho cảm Center Hạn chế sử dụng vì sản phẩm có chứa menthol

 

     Bảng này chỉ bao gồm một số loại thuốc thông dụng và được khuyến cáo theo thành phần sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ bị bệnh thiếu men G6PD. Danh sách vẫn đang được tiếp tục bổ sung.

     Khuyến cáo chung: Nếu gia đình thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện như: thiếu máu (da xanh xao), mệt mỏi, vàng da hoặc vàng da và mắt, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, nước tiểu sẫm màu (như màu nước coca) nên dừng sử dụng sản phẩm đó và hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

     Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh thiếu men G6PD, chăm sóc sức khỏe những người bị bệnh Thiếu men G6PD, Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet Việt Nam đã tạo ra nhóm facebook "Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Bệnh thiếu men G6PD - Bionet Việt Nam" . Với hơn 10 năm kinh nghiệm triển khai xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh bệnh Thiếu men G6PD, Bionet hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị về tri thức và nhân văn cho tất cả các thành viên tham gia nhóm thông qua các hoạt động: 

+ Cung cấp kho thông tin đầy đủ, chính thống, hữu ích qua nhiều dạng tài liệu trong nước và quốc tế

+ Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bệnh Thiếu men G6PD và cuộc sống khỏe mạnh thực tế của những người mắc bệnh thiếu men G6PD

+ Hỗ trợ giải đáp những vấn đề liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán, chắm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD

+ Tổ chức những hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thiếu men G6PD

+ Tổ chức các hoạt động thực tế hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh thiếu men G6PD

Click vào đường link: https://www.facebook.com/groups/Bionet.G6PD để tham gia nhóm ngay nhé!

Nguồn: Bionet Việt Nam

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]: https://medlatec.vn/tin-tuc/%E2%80%98giai-ma%E2%80%99-7-loai-benh-tu-tieng-ho-cua-tre-s75-n3986

[2]: https://thaythuocvietnam.vn/su-dung-siro-ho-o-be-nhu-the-nao-la-an-toan-hieu-qua/

[3]: Akoijam Sangita Devi, Malar Kodi, Akoijam Mamata Devi. Living with Glucose-6-Phosphate Dehydrogenase Deficiency. Journal of Nursing Science & Practice. 2016; 6(1):23-30p.

[4] https://hospitals.aku.edu/pakistan/patients-families/Documents/G6PD%20Deficiency-2018.pdf

 

Hỗ trợ trực tuyến
02466861304 0796188898
Thống kê truy cập

Lượng truy cập hiện tại: 1

Lượng truy cập trong ngày: 10598

Tổng lượng truy cập: 11054329

Trung tâm sàng lọc sơ sinh BIONET Việt Nam