Trung tâm sàng lọc sơ sinh Bionet Việt Nam

Sàng lọc sơ sinh là chương trình thực hiện xét nghiệm cho các bé sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.

 

Trung tâm sàng lọc sơ sinh

Bionet Việt Nam

Đẩy mạnh sàng lọc trước sinh và sơ sinh

17:26:0026/09/2014

     Sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) là 2 biện pháp dự phòng nhằm phát hiện những bất thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ và ngay khi trẻ ra đời. Thực hiện SLTS và SLSS tốt sẽ giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

     Tại Cà Mau, sau hơn 5 năm thực hiện chương trình SLTS và SLSS có khoảng 50% bà mẹ mang thai được SLTS và 20% trẻ em sinh ra được lấy mẫu máu để SLSS.


Giảm trẻ dị tật


     Theo Bác sĩ Nguyễn Cao Hùng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGÐ, tỷ lệ bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh thực hiện SLTS và SLSS rất thấp so với thực tế. Toàn tỉnh có hơn 59.000 bà mẹ mang thai được SLTS, với tỷ lệ 55%. Hơn 86.000 trẻ sinh ra không được SLSS, đồng nghĩa với việc có khoảng 948 trẻ thiếu men G6PD và 22 trẻ bị suy giáp bẩm sinh chưa được phát hiện. Nguyên nhân do phụ nữ mang thai chưa chủ động đi siêu âm hoặc siêu âm không đúng thời gian quy định nên khó phát hiện dị tật của thai nhi. Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền còn hạn chế nên nhiều bậc phụ huynh còn tâm lý sợ trẻ đau khi lấy máu xét nghiệm.


                                        dị tật bẩm sinh, sàng lọc sơ sinh
                              Bà mẹ mang thai được tuyên truyền trực tiếp về những lợi ích khi thực hiện SLTS và SLSS.

     Suốt quá trình mang thai, chị Hồng Lẹ (phường 5, TP Cà Mau) đều đi khám thai, siêu âm đầy đủ vào những mốc quan trọng của thai kỳ. Nhưng, sau khi sinh, chị không đăng ký làm xét nghiệm lấy máu gót chân cho con vì nghĩ rằng "gia đình không có ai mắc những căn bệnh này, hơn nữa, lúc mang thai đã siêu âm và khám thai đầy đủ, chắc con sẽ hoàn toàn khoẻ mạnh". Ðiều đáng nói là không ít bà mẹ cũng có suy nghĩ như chị Lẹ, cho rằng với những bệnh hiếm gặp thì xác suất con mình mắc bệnh sẽ rất thấp. Nhiều gia đình không đồng ý tham gia xét nghiệm vì thiếu hiểu biết, sợ việc chọc kim vào gót chân khiến trẻ đau.


     Thời gian qua, tại Bệnh viện Sản - Nhi, các bác sĩ đã lấy hơn 11.000 mẫu máu trẻ sơ sinh gửi xét nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Trong đó, phát hiện 65 trường hợp trẻ sơ sinh thiếu men G6PD, 2 trường hợp trẻ bị suy giáp bẩm sinh. Những trường hợp này các bé được bác sĩ điều trị sớm, cán bộ phụ trách chương trình tư vấn, cung cấp những thông tin liên quan đến bệnh. Bên cạnh việc cho uống thuốc đúng cách, cán bộ tư vấn còn hướng dẫn phụ huynh cách chọn thức ăn cho trẻ, giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết điều trị. Bác sĩ CKI Võ Thành Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi, cho biết, hiện nay bệnh viện chỉ mới thực hiện chương trình SLSS chứ chưa thực hiện SLTS. Trong khi đó số lượng bà mẹ mang thai đến khám tại bệnh viện rất lớn nếu SLTS được triển khai thực hiện sẽ phát hiện những bệnh lý ngay trong lúc người mẹ mang thai. Khi đó việc điều trị hoặc chấm dứt những thai kỳ bệnh lý thuận lợi và kinh tế hơn khi trẻ sinh ra mang bệnh tật.

 
     Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Nhân, Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, chương trình sàng lọc hiện nay cho phép phát hiện trẻ mắc bệnh thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD, tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh. Ðây đều là những bệnh lý hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của trẻ sau này. Bệnh thiếu men G6PD dễ gây cho trẻ bị thiếu máu, vàng da. Nguy hiểm hơn, bệnh suy tuyến giáp khiến trẻ chậm phát triển chiều cao, kém thông minh. Bệnh tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh có thể gây tử vong, các bé gái mắc bệnh này khi lớn lên sẽ có tình trạng nam hoá cơ quan sinh dục ngoài, gây nhầm lẫn giới tính, ảnh hưởng tới tâm lý và tương lai của trẻ.


Thiếu sự cộng tác của người dân


     Mặc dù hiệu quả mang lại khá rõ rệt nhưng thực tế cho thấy, phần lớn người dân chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc SLTS và SLSS. Số lượng sản phụ chủ động đi SLTS và SLSS quá thấp. Ðối với việc SLSS, nhiều thai phụ chưa chủ động đăng ký xét nghiệm lấy máu gót chân cho con do tâm lý chủ quan hoặc do thiếu hiểu biết.

     Bác sĩ Nguyễn Cao Hùng cho biết thêm: “Thời gian qua, việc SLTS và SLSS luôn được chi cục quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả. Ngay từ đầu năm, chi cục tăng cường tổ chức truyền thông nhóm, phát tờ rơi về các bệnh lây truyền qua đường sinh dục, làm mẹ an toàn, các biện pháp tránh thai hiện đại, SLTS và SLSS ở tất cả các xã, phường trên địa bàn…".

     Hiện nay công tác thông tin, giáo dục truyền thông về DS-KHHGÐ được triển khai sâu rộng với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, chú trọng thực hiện cả loại hình truyền thông trực tiếp của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên và tuyên truyền gián tiếp qua phương tiện thông tin đại chúng nội dung chủ yếu về SLTS và SLSS để người dân hiểu biết sâu rộng hơn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện SLTS và SLSS còn gặp nhiều khó khăn: cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ trong SLTS và SLSS còn thiếu thốn; đội ngũ nhân viên y tế làm công tác lấy mẫu máu, xét nghiệm, siêu âm còn mỏng, thiếu cán bộ chuyên trách; sản phụ không muốn lấy mẫu máu con mình để xét nghiệm vì sợ con đau… Những điều này sẽ làm giảm hiệu quả chương trình DS-KHHGÐ, tăng nguy cơ tiềm ẩn các bệnh cho trẻ sơ sinh.

     Trên thực tế, việc đẩy mạnh công tác SLTS và SLSS là điều cần thiết phải được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ và tích cực. Vì vậy, để giúp thai phụ có cơ hội sinh con khoẻ mạnh, lựa chọn ngưng thai kỳ khi phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh; có kế hoạch sinh và chăm sóc trẻ bị dị tật một cách tốt nhất trong trường hợp thai phụ quyết định giữ thai; giảm lo lắng về khả năng sinh con bị dị tật; giảm chi phí cho gia đình và xã hội, góp phần cải thiện chất lượng dân số, theo Bác sĩ Nguyễn Cao Hùng, trước tiên cần phải chú trọng, quan tâm hơn nữa đến đời sống sản phụ. Ðặc biệt, những cặp vợ chồng kết hôn sớm, các sản phụ đẻ non, đẻ sớm, đẻ muộn, những người làm trong môi trường độc hại; tăng cường tổ chức truyền thông; tích cực phát tờ rơi cách làm mẹ an toàn, các biện pháp tránh thai hiện đại, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

     Ngoài ra, công tác lồng ghép giữa tuyên truyền miệng với các hoạt động họp tại các xã, phường cũng cần được đẩy mạnh. Ðồng thời kết hợp chặt chẽ với các bệnh viện trên địa bàn, các trung tâm y tế, bổ sung đội ngũ làm công tác SLTS và SLSS. Không những thế, việc đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị hệ thống máy móc phục vụ SLTS và SLSS… cũng cần được chú trọng. Có như vậy, những đứa trẻ sinh ra sẽ được khoẻ mạnh góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Bài và ảnh: Thanh Phương

 

Hỗ trợ trực tuyến
02466861304 0796188898
Thống kê truy cập

Lượng truy cập hiện tại: 1

Lượng truy cập trong ngày: 3504

Tổng lượng truy cập: 8722689

Trung tâm sàng lọc sơ sinh BIONET Việt Nam