Trung tâm sàng lọc sơ sinh Bionet Việt Nam

Sàng lọc sơ sinh là chương trình thực hiện xét nghiệm cho các bé sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.

 

Trung tâm sàng lọc sơ sinh

Bionet Việt Nam

Bé sơ sinh ở Lâm Đồng tử vong không phải do tiêm

10:06:4329/08/2014

Cháu bé sơ sinh tử vong ngày 23/7 tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng vừa qua không liên quan gì tới vắc xin viêm gan B như nghi ngờ của gia đình.

 

        Trao đổi với phóng viên Kiến Thức chiều nay, ông Đồng Sỹ Quang, Trưởng phòng nghiệp vụ Y dược, Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết: “Kết luận của thanh tra sở Y tế Lâm Đồng, nguyên nhân tử vong của cháu bé ở Lâm Hà là do rối loạn chuyển hóa đường”.

                                           roi loan chuyen hoa bam sinh, sang loc so sinh, di tat bam sinh

                                                            Hình ảnh minh họa

      Theo ông Quang, ca tử vong của cháu bé ở Lâm Hà xảy ra trong thời điểm dư luận xôn xao vì 4 ca tử vong liên tiếp của các bé sơ sinh ở Quảng Tri, Bình Thuận sau khi tiêm vắc xin viêm gan B. Chính vì thế gia đình cháu bé cũng nghi ngờ rằng con mình tử vong là do tiêm vắc xin viêm gan B giống như các cháu bé ở 2 địa phương trên.
     Theo gia đình cháu bé xấu số thì bác sĩ đưa bé đi tiêm một lọ màu vàng không biết là thuốc gì.
     Gia đình cháu bé đã yêu cầu Công an huyện Lâm Hà, Công an tỉnh Lâm Đồng và thanh tra Sở Y tế thực hiện khám nghiệm tử thi cháu bé để xác định lại nguyên nhân tử vong.
     Tuy nhiên, ngay sau khi xem báo cáo của Thanh tra Sở Y tế và Trung tâm y tế huyện Lâm Hà, gia đình em bé tử vong đã chấp nhận nguyên nhân tử vong của cháu bé, cũng như không thực hiện khám nghiệm tử thi của bé như yêu cầu ban đầu.
Báo cáo của Thanh tra Sở Y tế Lâm Đồng ghi rõ: “ Ngay sau 3 ca tử vong của 3 bé ở Quảng Trị và thực hiện công văn của Bộ Y tế, Lâm Đồng đã thực hiện tạm dừng tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Và trường hợp cháu bé tử vong trên cũng chưa được tiêm vắc xin viêm gan B nên nghi ngờ của gia đình là không có cơ sở.
     Về ống thuốc màu vàng đã tiêm cho em bé trên, đó là vitamin K. Ở nước ta thì tất cả trẻ sơ sinh đều bắt buộc phải tiêm vitamin K. Thời gian tiêm tốt nhất loại vitamin này là 24h sau khi sinh.
     Về nguyên nhân tử vong của bé được xác định là do rối loạn chuyển hóa đường. Bởi qua theo dõi cháu bé sau khi tiêm, thì hơn 1 ngày sau (31h) mới xảy ra phản ứng không bình thường.
     Hơn nữa qua kiểm tra, lượng đường huyết của cháu bé khá thấp, ở mức 6mg% (mức bình thường của trẻ sơ sinh là 45mg%) nên được bác sĩ cấp cứu theo phương án trẻ bị hạ đường huyết. Ngay sau khi được cấp cứu, bé hồi tỉnh nhưng không lâu sau đó thì tiếp tục bị phản ứng và tử vong”.
     Thông tin thêm về Vitamin K, ông Quang cho biết: “Về mặt lý thuyết thì không có loại vắc xin, thuốc nào không có phản ứng phụ và an toàn 100%. Tuy nhiên thực tế Vitamin K là loại vitamin an toàn và ít xảy ra tai biến nhất”.
     Theo bác sĩ Trần Liên Anh - Trưởng Khoa Sơ sinh Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec - trẻ sơ sinh bị hạ đường máu trong các trường hợp: thai nhi bị stress, mẹ dùng một số thuốc khi mang thai , con bị nhiễm trùng đặc biệt do vi khuẩn gram (-), trẻ sinh ra bị ngạt, bị suy dinh dưỡng thai, đa hồng cầu, đẻ non, hay già tháng.
     Có một số nguyên nhân hạ đường máu dai dẳng ở con làm tăng tiết insulin như u đảo tụy, hội chứng Beckwwith, adenomatosis, loạn sản tủy… hay do thiếu hormone (tăng trưởng, ACTH, giáp trạng…) hoặc mắc một số bệnh di truyền bẩm sinh như bệnh dự trữ đường typ I, không dung nạp fructose, Galactosemia …Dấu hiệu khi bé bị hạ đường máu là có cơn ngưng thở, thở không đều hay tím tái, giảm vận động, giảm cơ lực, bú kém, run giật, kích thích, thậm chí là hôn mê. Phòng tránh hạ đường máu cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn sớm ngay sau đẻ . Với trẻ có nguy cơ cao mà chưa có triệu chứng của hạ đường máu thì cũng cần phải cho ăn sớm ngay trong giờ đầu sau sinh, kiểm soát lượng đường trong máu bằng thử test đường hay gửi máu tới labo (phòng thí nghiệm) 30 phút sau mỗi lần cho trẻ ăn và các bữa ăn cũng thường xuyên hơn, sau 2-3 giờ, có thể phải cho trẻ uống thêm nước đường.
     Với những trẻ bị hạ đường máu có triệu chứng lâm sàng hay bị hạ đường máu dai dẳng cần được truyền đường tĩnh mạch, hội chẩn với bác sỹ chuyên khoa nội tiết để dùng thêm thuốc hỗ trợ hay can thiệp ngoại khoa cắt tụy khi đã có chẩn đoán xác định.
     Theo Thu Nguyên - Báo mới

 

Hỗ trợ trực tuyến
02466861304 0796188898
Thống kê truy cập

Lượng truy cập hiện tại: 1

Lượng truy cập trong ngày: 2805

Tổng lượng truy cập: 8721989

Trung tâm sàng lọc sơ sinh BIONET Việt Nam