NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG MỸ PHẨM, THUỐC BÔI DA CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD – PHẦN 1
09:15:3021/05/2021Nguyên tắc cơ bản để chăm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD là cần tránh tiếp xúc với các tác nhân oxi hóa có trong sữa, thực phẩm, thuốc, các loại hóa mỹ phẩm. Tuy nhiên vấn đề thực phẩm và thuốc thường được các bố mẹ quan tâm, cân nhắc hơn so với các loại thuốc, hóa mỹ phẩm bôi trên da. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn về ảnh hưởng của các tác nhân oxi hóa có trong các loại thuốc, kem, mỹ phẩm bôi da và những lưu ý khi sử dụng cho người bị thiếu men G6PD.
1. Các tác nhân gây oxi hóa từ mỹ phẩm, kem bôi da có ảnh hưởng đến trẻ thiếu men G6PD
Bệnh thiếu enzyme G6PD (Thiếu men G6PD) là rối loạn di truyền phổ biến. Trẻ mắc bệnh này thường không có đủ enzyme G6PD để bảo vệ tế bào hồng cầu trước những tác nhân oxy hóa mạnh. Người bị bệnh thiếu men G6PD có hồng cầu kém ổn định và dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với các tác nhân gây oxi hóa, gây ra hiện tượng vỡ hồng cầu, dẫn đến thiếu máu tán huyết [1]. Đa số các bậc phụ huynh thường quan tâm nhiều đến thực phẩm, đồ uống hay thuốc có chứa thành phần gây oxi hóa để tránh sử dụng cho con bị thiếu men G6PD mà ít chú ý đến các loại thuốc, kem, hóa mỹ phẩm bôi trên da vì cho rằng không ảnh hưởng gì đến trẻ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại chất oxi hóa, liều lượng sử dụng và thể trạng từng người mà các chất này có thể tác động tới người mắc bệnh thiếu men G6PD qua ăn uống, hít thở hay là tiếp xúc trên da.
Thực tế đã ghi nhận ảnh hưởng rõ ràng khi cho trẻ sử dụng một số thuốc, chất bôi da có chứa thành phần chất oxi mạnh được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ bị thiếu men G6PD. Cây lá móng (Henna) được cảnh báo là loại cây chứa thành phần chất oxi hóa rất mạnh cần tránh tuyệt đối sử dụng cho người bị thiếu men G6PD. Tại Ấn độ cây này thường được dùng để tạo thành bột vẽ Henna trong nhiều nghi thức lễ hội. Năm 2015 tại Sudan, một bé trai 6 tuổi đã nhập viện với biểu hiện khó thở, đau đầu, mắt chuyển màu vàng và nước tiểu có màu nước trà kéo dài hai ngày. Gia đình bé cho biết trước đó bé đã được bôi bột Henna lên tay và chân. Với thông tin đó và các xét nghiệm kiểm tra cho thấy bé bị thiếu men G6PD với các biểu hiện điển hình của bệnh khi tiếp xúc với tác nhân oxi hóa mạnh [2]. Tại Việt Nam, một thuốc bôi khác là Xanh methylen thường được các gia đình sử dụng trong điều trị methemoglobin – huyết và thủy đậu cũng được khuyến cáo chống chỉ định với người bị thiếu men G6PD vì có thể gây nên tình trạng tán huyết [3].
Các biểu hiện khi sử dụng các loại thuốc, kem, hóa mỹ phẩm bôi da có thành phần chất oxy hóa thể rõ ràng hoặc khó nhận biết tùy thuộc vào thành phần chất oxy hóa, lượng sử dụng và thể trạng của trẻ. Chính vì vậy, các bố mẹ cần phải lưu ý đến thành phần của các loại mỹ phẩm, thuốc bôi da liệu có chứa thành phần chất oxi hóa hay không trước khi sử dụng cho trẻ.
Hình 1: Vẽ henna bằng mực từ cây lá móng (trên), Xanh methylene chống chỉ định cho người thiếu men G6PD (dưới)
2. Lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm, thuốc bôi da cho trẻ thiếu men G6PD
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có làn da rất non nớt do đó nếu không được vệ sinh tốt trẻ rất dễ mắc các bệnh về da như: hạt kê, rôm sảy, chàm, mụn sữa, mề đay, nổi mẫn, hăm tã, … Phụ huynh cần nắm rõ kiến thức các bệnh về da thường gặp ở trẻ sơ sinh để bảo vệ con tốt nhất. Theo đó, cha mẹ nên cho bé mặc quần áo cotton hoặc vải lụa, chơi ở nơi thoáng mát và tắm sạch sẽ hàng ngày bằng xà phòng dịu nhẹ. Một số bệnh về da ở trẻ sơ sinh thường tự biến mất sau một thời gian nếu được chăm sóc tốt [4] [5].
Bảng 1: Một số loại bệnh về da thường gặp ở trẻ và cách xử trí [4]
STT | Tên bệnh | Mô tả và nguyên nhân | Cách xử trí |
1 | Hạt kê | Trên da bé xuất hiện những hạt nhỏ màu trắng đục nhô lên do sự ứ đọng của chất bã. Thường gặp trên các vùng da ở mũi, trán hoặc gò má | Hiện tượng sẽ tự mất chỉ sau vài tuần. Vì thế, để tránh làm da trẻ ửng đỏ, mỗi khi tắm bố mẹ chỉ nên lau rửa nhẹ nhàng bằng khăn bông mềm, tránh kỳ mạnh làm trầy xước da của trẻ |
2 | Hăm tã | Da ở vùng mông, bẹn, ... có hiện tượng bị ửng đỏ, có thể bị trầy, loét nếu nặng. Hăm tã có thể do dị ứng chất liệu tã, khăn ướt, nước tiểu hoặc những chất bẩn tiếp xúc lâu với da trẻ tại vùng quấn tã, do môi trường ẩm ướt và vi khuẩn trú ngụ trong tã suốt nhiều giờ liền |
Cần thường xuyên thay tã cho trẻ. Nên thay ngay khi tã ướt hoặc bẩn để tránh dẫn đến tình trạng da căng bóng và nổi mụn mủ. Nếu thấy trẻ có triệu chứng tấy đỏ, mẹ nên dùng những loại kem trị hăm được bác sĩ chỉ định. Nếu hăm tã kéo dài trên 5 ngày; trẻ bị sốt; vùng hăm tã tẩy đỏ, nổi nhiều mụn mủ, có khuynh hướng lan rộng... thì cần phải đưa trẻ đến bác sỹ |
3 | Chàm sữa | Những mụn nước nhỏ li ti xuất hiện hai bên má rồi lan ra cằm, trán; sau xuất hiện những mụn nước. Chúng nhanh chóng vỡ ra và đỏ, rỉ dịch rồi khô, nứt nẻ, rịn nước, đóng mày tróc vảy và ngứa | Hạn chế một số thực phẩm làm cho bệnh chàm của trẻ nặng hơn ( trứng, hải sản, bò,..), hạn chế dùng xà phòng, các chất tẩy rửa quá mạnh cho bé |
4 | Rôm sảy | Thường gặp vào mùa hè, do cơ thể trẻ ra mồ hôi nhiều, vị trí thường bị rôm sảy là ở lưng, ngực, bắp tay, bắp chân,... Da trẻ nổi nhiều nốt đỏ nhỏ, cứng, sần sùi và gây cảm thấy ngứa ngáy | Nên cho trẻ mặc những trang phục nhẹ, mỏng, hút mồ hôi tốt, lúc trời nóng; tránh ôm trẻ nhiều, nên để trẻ thoáng mát; tắm rửa trẻ thường xuyên; lau mặt bằng khăn lạnh; tránh làm trầy sướt các vết rôm sảy, vì dể dẫn đến nhiễm trùng da |
5 | Chốc | Do vi khuẩn tụ cầu hoặc liên cầu. Biểu hiện là những bóng nước, nhanh chóng hóa đục rồi vỡ ra, tạo thành loét màu mật ong | Chốc phải điều trị bằng kháng sinh, gia đình nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để điều trị thích hợp, không tự ý mua thuốc |
6 | Mụn nhọt | Nguyên nhân từ vi khuẩn tụ cầu. Biểu hiện ban đầu là đỏ sưng rồi nóng gây đau nhức, dần dần mềm vỡ ra chảy mủ và thành sẹo | Nên khám bác sĩ để điều trị thích hợp, tránh tự ý lễ nhọt hoặc tự bôi thuốc |
7 | Ghẻ | Nguyên nhân từ vi khuẩn, bệnh có thể lây lan nhanh. Nếu thấy cơ thể trẻ xuất hiện những nốt mụn đỏ, ngứa; sau đó vỡ ra, rỉ nước trong một vài ngày và đóng vảy thì đó là ghẻ. Ghẻ thường mọc rải rác ở vùng da non (kẻ ngón, mặt trước cổ tay,quanh rốn, nếp dưới rốn, đầu vú, da đùi, bộ phận sinh dục...) | Cần phải đi khám bác sĩ da liễu; tránh tiếp xúc với người bị ghẻ; nếu bản thân bị ghẻ, tránh tiếp xúc với người xung quanh để tránh lây lan cộng đồng |
Bố mẹ cũng cần có thói quen xem thành phần của thuốc, mỹ phẩm và chủ động tra cứu thành phần theo danh sách các thành phần cần tránh tuyệt đối hoặc hạn chế sử dụng cho người bị thiếu men G6PD. Việc này là cần thiết ngay cả với các loại thuốc, mỹ phẩm đã được các bác sĩ kê đơn cho con để yên tâm khi sử dụng.
Các bố mẹ không nên tự ý dùng loại kem hoặc gel bôi cho bé sơ sinh, trường hợp trẻ có biểu hiện bệnh nặng thì cần đi khám bác sĩ sớm [5]. Khi đó, các bố mẹ cần thông báo với các bác sỹ da liễu về tình trạng bệnh thiếu men G6PD của trẻ. Nếu bé mới chỉ làm xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh thì thông báo cho bác sĩ kết quả là bé có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu men G6PD. Nếu bé đã làm xét nghiệm chẩn đoán sinh hóa máu tĩnh mạch thì thông báo với bác sĩ bé mắc bệnh thiếu men G6PD. Nếu bé đã làm xét nghiệm chẩn đoán gene xác định được đột biến và biết mức độ bệnh của bé thì thông báo với bác sĩ bé mắc bệnh ở mức độ nào theo phân loại của WHO. Dựa vào các thông tin gia đình cung cấp và tình trạng của trẻ khi đến khám, bác sĩ sẽ kê đơn và có phác đồ điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, bố mẹ nên mang theo danh sách thành phần cần tránh cho trẻ bị thiếu men G6PD để cung cấp cho bác sĩ thêm khi cần thiết.
Ví dụ: Kem thuần mộc trong thành phần có chứa: hoàng liên, kim ngân hoa. Đây là những thành phần cần tránh cho người thiếu men G6PD. Gia đình nên cân nhắc trước khi sử dụng
Hình 2: Tra cứu thành phần sản phẩm kem bôi da Thuần Mộc
Bảng 2: Danh sách thành phần là tác nhân gây oxi hóa có trong thuốc bôi da, mỹ phẩm cần tránh cho người thiếu men G6PD
Cần tránh tuyệt đối | Hạn chế sử dụng | |
Thuốc da liễu | Dapsone, Diaphenylsulfone | Para - aminobenzoic acid |
Thảo dược |
Hoàng liên, Sài hồ bắc, Địa hoàng, Cốt khí củ, Mẫu đơn bì, Lạp mai hoa, Kim ngân, Ngưu hoàng, Trân châu, Bạc hà (menthol), Mướp đắng (khổ qua), Rau diếp |
Xem thêm “danh sách các loại thảo dược cần tránh đối với người thiếu men G6PD”, “danh sách thuốc cần tránh đối với người thiếu men G6PD”.
Để tra cứu nhanh các loại mỹ phẩm, thuốc bôi da thường được các gia đình quan tâm, các gia đình có thể đọc thêm bài viết: "Những lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm, thuốc bôi da cho người mắc bệnh thiếu men G6PD – Phần 2".
Thông qua bài viết này, Bionet hy vọng có thể cung cấp các thông tin hữu ích và những lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm, thuốc bôi da cho trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD. Từ đó, giúp đỡ được các gia đình trong quá trình chăm sóc trẻ.
Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh thiếu men G6PD, chăm sóc sức khỏe những người bị bệnh Thiếu men G6PD, Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet Việt Nam đã tạo ra nhóm facebook "Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Bệnh thiếu men G6PD - Bionet Việt Nam" . Với hơn 10 năm kinh nghiệm triển khai xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh bệnh Thiếu men G6PD, Bionet hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị về tri thức và nhân văn cho tất cả các thành viên tham gia nhóm thông qua các hoạt động:
+ Cung cấp kho thông tin đầy đủ, chính thống, hữu ích qua nhiều dạng tài liệu trong nước và quốc tế
+ Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bệnh Thiếu men G6PD và cuộc sống khỏe mạnh thực tế của những người mắc bệnh thiếu men G6PD
+ Hỗ trợ giải đáp những vấn đề liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán, chắm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD
+ Tổ chức những hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thiếu men G6PD
+ Tổ chức các hoạt động thực tế hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh thiếu men G6PD
Click vào đường link: https://www.facebook.com/groups/Bionet.G6PD để tham gia nhóm ngay nhé!
Nguồn: Bionet Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] https://www.healthline.com/health/glucose-6-phosphate-dehydrogenase-deficiency
[2] Abdelmoneim Kheir, Israa Gaber, Sara Gafer and Wisal Ahmed. Life-threatening haemolysis induced by henna in a Sudanese child with glucose-6-phosphate dehydrogenase deficiency. Eastern Mediterranean Health Journal. 2017. Volume 23, issue 1.
[3] Ellen M. McDonagh, José M. Bautista, et al. PharmGKB summary: methylene blue pathway. Pharmacogenet Genomics. 2013 Sep; 23(9): 498–508.
[4] http://benhviennhidongnai.org.vn/trangchu/index.php/2013-11-14-08-10-24/giao-duc-suc-khoe/item/682-ttgdk-nhung-benh-ve-da-th%C6%B0%C6%A1ng-gap-o-tre-so-sinh-va-tre-nho.html
[5] https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/nhung-benh-ngoai-da-thuong-gap-o-tre-so-sinh/
- TỔNG QUAN XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN GENE BỆNH THIẾU MEN G6PD TẠI BIONET VIỆT NAM (13/05/2022)
- XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN SINH HÓA BỆNH THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (30/03/2022)
- NHỮNG LƯU Ý VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG, DÙNG THUỐC CỦA MẸ TRONG GIAI ĐOẠN CHO CON MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD BÚ MẸ (12/02/2022)
- LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TRỊ HO CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD - NĂM 2022 (21/01/2022)
- NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC GIẢM ĐAU/HẠ SỐT CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (20/01/2022)
Lượng truy cập hiện tại: 1
Lượng truy cập trong ngày: 2820
Tổng lượng truy cập: 11605914