NÊN SỬ DỤNG THUỐC HẠ SỐT NÀO CHO TRẺ MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD?
17:59:3010/11/2015Paracetamol lại được khuyến cáo không nên sử dụng cho những trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD. Vậy Paracetamol có chống chỉ định tuyệt đối với những trẻ mắc căn bệnh này hay không?
Với trẻ em, sốt là một trong những biểu hiện lâm sàng thường gặp trong thời kỳ thơ ấu. Nguyên nhân gây sốt ở trẻ nhỏ có thể do những tác động trực tiếp từ môi trường bên ngoài như thời tiết quá nóng nực, oi bức, phụ huynh ủ ấm bé quá kỹ, trẻ sốt sau tiêm chủng, hoặc trẻ đang trong thời kỳ mọc răng. Xác định rõ căn nguyên sẽ giúp phụ huynh chăm sóc trẻ đúng cách và hiệu quả hơn.
CÁCH XÁC ĐỊNH TRẺ BỊ SỐT
Bình thường cơ thể trẻ có nhiệt độ dao động trong khoảng từ 36,5 đến 37,5 độ C tương đương người lớn nhưng do trung tâm điều hòa cơ thể của trẻ chưa hoàn chỉnh nên trẻ dễ bị sốt và sốt cao. Các bậc phụ huynh có thể nhận biết trẻ đang sốt bằng cách sờ ở bụng hoặc nách của trẻ thấy nóng, môi và má đỏ hơn bình thường, mắt không linh hoạt, cử chỉ lừ đừ hoặc tăng tiết mồ hôi.
Khi đó, phụ huynh nên sử dụng nhiệt kế để đo thân nhiệt của trẻ, xác định được tình trạng sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời:
- Nhiệt độ 37,5 - 38,5 độ C: sốt nhẹ.
- Nhiệt độ 38,5 - 39 độ C: sốt vừa.
- Khi nhiệt độ 39 - 40 độ C: sốt cao.
- Nhiệt độ bé từ 40 độ C trở lên: sốt rất cao.
CÁCH LỰA CHỌN THUỐC HẠ SỐT CHO TRẺ MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD
Khi gặp những cơn sốt nhẹ, các phụ huynh không nên quá lo lắng hay cho trẻ sử dụng thuốc ngay mà nên hạ sốt bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, lau người bằng nước ấm, nới lỏng quần áo, chỉ nên cho trẻ mặc quần áo rộng thoáng để cơ thể giải tỏa bớt nhiệt.
Trẻ thực sự cần sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau khi nhiệt độ cơ thể trẻ trên 38,5 độ C. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc giảm đau hạ sốt, phổ biến nhất là Paracetamol, Ibuprofen và Aspirin,… Tuy nhiên, không phải loại thuốc hạ sốt nào cũng thích hợp cho trẻ.
Paracetamol, Ibuprofen và Aspirin là những loại thuốc hạ sốt phổ biến trên thị trường hiện nay
Trong ba loại thuốc này, Paracetamol là thuốc được biết đến và sử dụng nhiều nhất bởi đặc tính tương đối an toàn, ít tác dụng phụ, có thể hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa mà không gây tác dụng phụ cho dạ dày - ruột. Nhưng Paracetamol cũng có mặt hạn chế, khi sử dụng trong thời gian dài hoặc quá liều có thể gây ngộ độc gan.
Đối với Ibuprofen, thuốc này được xếp vào nhóm thuốc kháng viêm nhưng cũng có tác dụng giảm đau và hạ sốt mạnh hơn Paracetamol. Tuy nhiên, Ibuprofen có nhiều tác dụng phụ không mong muốn hơn Paracetamol như: tác động lên đường ruột, gây ra một số rối loạn tiêu hóa mà nặng nhất là viêm loét dạ dày. Bên cạnh đó, Ibuprofen còn có thể gây ra một số tai biến như: giảm bạch cầu hạt, gây thiếu máu không tái tạo, suy thận, viêm thận và hội chứng thận hư.
Chính vì Ibuprofen có nhiều tác dụng phụ không mong muốn mà Bác sĩ Nhi khoa thường khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên tự ý cho trẻ sử dụng loại thuốc này trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Tương tự Paracetamol và Ibuprofen, Aspirin cũng là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi. Aspirin được khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ bởi những tác dụng không mong muốn mà nó đem lại như: viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, suy hô hấp hoặc những người có nguy cơ mắc hội chứng Reye. Tại Châu Âu, Aspirin bị cấm sử dụng cho trẻ dưới 16 tuổi, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt được bác sĩ chỉ định.
Vì vậy, khi trẻ bị sốt các bậc phụ huynh nên sử dụng paracetamol để giảm đau hạ sốt cho trẻ vì đặc tính tương đối an toàn và ít tác dụng phụ. Nhưng Paracetamol lại được khuyến cáo không nên sử dụng cho những trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD. Vậy Paracetamol có chống chỉ định tuyệt đối với những trẻ mắc căn bệnh này hay không?
Trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD
Câu hỏi này đặt ra làm cho các nhà khoa học trên thế giới phải vào cuộc tìm kiếm câu trả lời. Kết quả nghiên cứu cho thấy Paracetamol chỉ gây tan máu nếu bệnh nhân thiếu men G6PD sử dụng quá liều hoặc trong thời gian dài. Việc sử dụng Paracetamol đúng liều lượng không làm ảnh hưởng đến mức độ glutathione trong máu cũng như không gây ra tình trạng thiếu máu tán huyết. Do đó, loại thuốc này không chống chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân thiếu men G6PD.
Phụ huynh vẫn có thể cho trẻ sử dụng Paracetamol với liều lượng vừa đủ để đối phó với những cơn sốt trên 38,5 độ C.
MỘT SỐ LƯU Ý KHI TRẺ THIẾU MEN G6PD BỊ SỐT:
• Trẻ sốt nhẹ (< 38,5 độ C): Hạ sốt bằng cách nới lỏng quần áo, mặc quần áo mỏng, lau ấm (trán, cổ, nách, bẹn) và cho trẻ uống nhiều nước.
• Trẻ sốt vừa - cao (>= 38,5 độ C): Xử lí như trẻ sốt nhẹ, đồng thời cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol liều lượng 10mg/kg thể trọng để phòng co giật cho trẻ.
- Khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc ít nhất là 6 tiếng.
- Xử trí hạ sốt cho trẻ xong, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhà để được chẩn đoán nguyên nhân và có phác đồ điều trị kịp thời.
Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh thiếu men G6PD, chăm sóc sức khỏe những người bị bệnh Thiếu men G6PD, Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet Việt Nam đã tạo ra nhóm facebook "Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Bệnh thiếu men G6PD - Bionet Việt Nam" . Với hơn 10 năm kinh nghiệm triển khai xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh bệnh Thiếu men G6PD, Bionet hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị về tri thức và nhân văn cho tất cả các thành viên tham gia nhóm thông qua các hoạt động:
+ Cung cấp kho thông tin đầy đủ, chính thống, hữu ích qua nhiều dạng tài liệu trong nước và quốc tế
+ Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bệnh Thiếu men G6PD và cuộc sống khỏe mạnh thực tế của những người mắc bệnh thiếu men G6PD
+ Hỗ trợ giải đáp những vấn đề liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán, chắm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD
+ Tổ chức những hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thiếu men G6PD
+ Tổ chức các hoạt động thực tế hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh thiếu men G6PD
Click vào đường link: https://www.facebook.com/groups/Bionet.G6PD để tham gia nhóm ngay nhé!
Nguồn Bionet Việt Nam
---------------------
Tài liệu tham khảo
1. http://suckhoeviet.info/vi/news/Tu-van-suc-khoe-tre-em/Co-nen-dung-ha-sot-Paracetamol-cho-tre-bi-thieu-men-G6PD-739/
2. http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/11905/khi-tre-sot:-dung-thuoc-ha-sot-sao-cho-dung,-an-toan%20?.html
3. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21784438
4. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20701405
- TỔNG QUAN XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN GENE BỆNH THIẾU MEN G6PD TẠI BIONET VIỆT NAM (13/05/2022)
- XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN SINH HÓA BỆNH THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (30/03/2022)
- NHỮNG LƯU Ý VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG, DÙNG THUỐC CỦA MẸ TRONG GIAI ĐOẠN CHO CON MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD BÚ MẸ (12/02/2022)
- LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TRỊ HO CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD - NĂM 2022 (21/01/2022)
- NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC GIẢM ĐAU/HẠ SỐT CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (20/01/2022)
Lượng truy cập hiện tại: 1
Lượng truy cập trong ngày: 5790
Tổng lượng truy cập: 10941769