Trung tâm sàng lọc sơ sinh Bionet Việt Nam

Sàng lọc sơ sinh là chương trình thực hiện xét nghiệm cho các bé sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.

 

Trung tâm sàng lọc sơ sinh

Bionet Việt Nam

CẨM NANG CHỌN SỮA CHO TRẺ MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD CẬP NHẬT NĂM 2021 - PHẦN 1

17:54:0607/04/2021

Lựa chọn loại sữa công thức cho trẻ, đặc biệt là trẻ thiếu men G6PD luôn là vấn đề khiến các bố mẹ băn khoăn. Thành phần nào, hàm lượng bao nhiêu trong sữa sẽ gây ảnh hưởng đến trẻ? Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin làm nguồn tham khảo cho bố mẹ trong quá trình chọn được loại sữa phù hợp với trẻ. 

1. Tầm quan trọng của sữa mẹ

     Trước tiên, cần khẳng định rằng sữa mẹ là loại sữa tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh, điều này đã được khuyến cáo bởi Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) và Học Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ [2].

     Thành phần trong sữa mẹ bao gồm: nước, chất béo, protein, carbohydrate, men, hormone, vitamin và các loại khoáng chất. Với những thành phần quan trọng và thiết yếu, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, giúp trẻ phát triển cả về thể chất và trí não. Sữa mẹ đáp ứng nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu mà không cần ăn uống bất cứ thức ăn hay đồ uống nào khác kể cả nước chín. Ngoài ra, sữa mẹ giúp hệ miễn dịch của trẻ phát triển tốt hơn, phòng ngừa được các bệnh nhiễm khuẩn nhất là tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp. Gần đây, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, sữa mẹ có thể giảm thiểu các bệnh về chuyển hóa muộn cho trẻ như bệnh béo phì hay bệnh tiểu đường loại 2 [1] [2].

     Việc cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu cũng có tác dụng tích cực đối với mẹ như: kích thích co hồi tử cung, giảm nguy cơ chảy máu sau sinh; Kích thích tăng cường tiết sữa và giảm thiểu cảm giác căng tức ngực; Giảm thiểu nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng ở mẹ, … [2]

Hình 1: Sữa mẹ là loại sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

2. Sữa công thức dành cho trẻ thiếu men G6PD

     Mặc dù việc cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ được ưu tiên hơn cả, tuy nhiên đối với trường hợp các mẹ không đủ sữa hoặc khi trẻ đã lớn hơn 6 tháng tuổi thì các gia đình bắt đầu quan tâm đến việc tìm hiểu các loại sữa công thức để bổ sung. Đặc biệt, đối với các trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD, các bố mẹ có thể sẽ bối rối hơn nhiều khi chọn sữa cho bé. Các thành phần như: đậu nành, sắt, vitamin C, vitamin K được biết đến là các thành phần cần tránh hoặc hạn chế sử dụng cho trẻ thiếu men G6PD. Tuy nhiên, chúng có mặt trong hầu hết các loại sữa hiện nay trên thị trường. Vậy làm thế nào để chọn được một loại sữa an toàn và phù hợp cho trẻ?

Hình 2: Lựa chọn loại sữa cho trẻ thiếu men G6PD như thế nào?

+ Hàm lượng sắt: Sắt là một vi lượng thiết yếu cho hoạt động sống của cơ thể con người, chúng có vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu. Người mắc bệnh thiếu men G6PD thường được khuyến cáo không tự ý bổ sung sắt vì người mắc bệnh này thường thừa sắt. Thực tế, người thiếu men G6PD chỉ thừa sắt khi tiếp xúc với các tác nhân gây oxi hóa dẫn đến tán huyết. Trong điều kiện bình thường, những người này vẫn cần lượng sắt đáp ứng với nhu cầu hằng ngày theo nhóm tuổi được cung cấp từ nguồn thực phẩm hoặc sữa.

Hầu hết các loại sữa công thức chứa ít nhất 4 mg sắt trong mỗi lít (nhu cầu sắt tối thiểu mỗi ngày ở trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi là 0.27 mg, trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi là 11 mg [3], lượng sắt này được các chuyên gia dinh dưỡng tính toán chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe của trẻ. Vì vậy, đối với các dòng sữa thông thường không phải là loại chuyên dùng “tăng cường sắt” thì các bố mẹ có thể yêm tâm về hàm lượng sắt có trong sữa công thức sẽ không ảnh hưởng đến trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD.

+ Hàm lượng Vitamin C: Vitamin C nhân tạo (acid ascorbic) nằm trong danh mục thuốc cần hạn chế sử dụng đối với người thiếu men G6PD. Tuy nhiên, vitamin C đã được phân loại là "có thể an toàn" trong "liều điều trị bình thường" ở người thiếu men G6PD, thực tế có nghiên cứu chỉ ra rằng khi sử dụng vitamin C tiêm tĩnh mạch liều thấp (1-10 g trong 6h) không gây tán huyết đối với người thiếu men G6PD mà ngược lại còn làm giảm đáng kể tình trạng tan máu ở bệnh nhân [4][8].

Quay trở lại với hàm lượng vitamin C trong sữa công thức, đa phần các loại sữa hiện nay có hàm lượng vitamin C từ 5-10 mg/100 ml sữa (các bố mẹ hoàn toàn có thể tự tra cứu hàm lượng vitamin C dựa vào bảng hàm lượng dinh dưỡng trên từng loại sữa). Vậy với thể tích sữa trung bình cần trong ngày cho trẻ sơ sinh khoảng 120 ml/ngày [6] thì hàm lượng vitamin C trong sữa không đáng lo ngại đối với trẻ thiếu men G6PD.

+ Hàm lượng Vitamin K: Trẻ thiếu men G6PD có thể bổ sung vitamin K dạng tự nhiên (K1, K2) và nên tránh sử dụng vitamin K dạng nhân tạo (K3). Trong thành phần sữa đều chứa vitamin K1 hoặc K2 và hàm lượng đã được tính toán phù hợp với trẻ nên bố mẹ có thể yên tâm về hàm lượng vitamin K có trong sữa công thức.

+ Thành phần đậu nành: Hiện nay vẫn chưa có ghi nhận trường hợp cụ thể thành phần đậu nành có trong sữa công thức gây tán huyết đối với trẻ thiếu men G6PD – theo viện Y Tế Quốc Gia Mỹ năm 2017 (NIH) [7], nhưng các tài liệu đều chỉ ra rằng các sản phẩm từ đậu nành đều cần được hạn chế sử dụng. Gia đình nên cân nhắc khi sử dụng các loại sữa có chứa thành phần từ đậu nành.

     Chúng tôi hiểu rằng, đa số các loại sữa trên thị trường hiện nay đều có chứa thành phần đậu nành dưới dạng: dầu đậu nành, protein đậu nành, lecithin đậu nành, tocopherol từ đậu nành (soybean oil, soy protein, soya lecithin, …) gây bối rối cho các bố mẹ trong việc lựa chọn. Đối với vấn đề này chúng tôi khuyến khích các bố mẹ sử dụng cho trẻ các loại sữa không chứa thành phần từ đậu nành (sẽ được đề cập ở bài tiếp theo, bấm xem tại đây). Trong trường hợp sử dụng các loại sữa có chứa thành phần từ đậu nành, các gia đình nên quan sát biểu hiện của trẻ, nếu bé vẫn phát triển khỏe mạnh bình thường, tiêu hóa tốt và lên cân đều… bố mẹ có thể yên tâm tiếp tục sử dụng sản phẩm đó. Ngược lại, nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường (nước tiểu sẫm màu như màu nước coca, vàng da, da xanh xao…) gia đình cần ngừng sử dụng sản phẩm đó và hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Cách tra cứu thành phần sữa:

Hình 3: Dựa vào thông tin thành phần, có thể thấy loại sữa này chứa lecithin đậu nành, bố mẹ nên cân nhắc để quyết định có sử dụng sản phẩm hay không.

     Để tìm hiểu rõ hơn các lưu ý khi sử dụng sắt, thực phẩm, vitamin, … dành cho trẻ thiếu men G6PD, gia đình có thể tham khảo các buổi live stream được thực hiện bởi Bionet Việt Nam tại đây

     Thông qua bài viết trên, Bionet hy vọng các bố mẹ đã có thể hiểu rõ những lưu ý và các vấn đề cần cân nhắc trong quá trình chọn sữa cho bé yêu của mình. Từ đó, bố mẹ sẽ chủ động và chăm sóc các bé được tốt hơn!

     Để tra cứu nhanh các loại sữa thường được các gia đình quan tâm, đọc thêm bài viết: “CẨM NANG CHỌN SỮA CHO TRẺ MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD CẬP NHẬT NĂM 2021 – PHẦN 2”.

     Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh thiếu men G6PD, chăm sóc sức khỏe những người bị bệnh Thiếu men G6PD, Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet Việt Nam đã tạo ra nhóm facebook "Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Bệnh thiếu men G6PD - Bionet Việt Nam" . Với hơn 10 năm kinh nghiệm triển khai xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh bệnh Thiếu men G6PD, Bionet hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị về tri thức và nhân văn cho tất cả các thành viên tham gia nhóm thông qua các hoạt động: 

+ Cung cấp kho thông tin đầy đủ, chính thống, hữu ích qua nhiều dạng tài liệu trong nước và quốc tế

+ Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bệnh Thiếu men G6PD và cuộc sống khỏe mạnh thực tế của những người mắc bệnh thiếu men G6PD

+ Hỗ trợ giải đáp những vấn đề liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán, chắm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD

+ Tổ chức những hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thiếu men G6PD

+ Tổ chức các hoạt động thực tế hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh thiếu men G6PD

Click vào đường link: https://www.facebook.com/groups/Bionet.G6PD để tham gia nhóm ngay nhé!

Nguồn: Bionet Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Camilia R. MartinPei-Ra Ling, and George L. Blackburn. Review of Infant Feeding: Key Features of Breast Milk and Infant Formula. Nutrients. 2016 May; 8(5): 279. doi: 10.3390/nu8050279

(https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4882692/)

[2] http://ytehagiang.org.vn/tin-tuc/tam-quan-trong-cua-sua-me-doi-voi-su-phat-trien-cua-tre-trong-6-thang-dau.html

[3] https://amthucvasuckhoe.com/huong-dan-chon-sua-cho-tre-theo-thanh-phan-dinh-duong-ghi-tren-vo-hop/

[4] Paul E. Marik. Is intravenous vitamin C contraindicated in patients with G6PD deficiency?. Crit Care. 2019; 23: 109. doi: 10.1186/s13054-019-2397-6

(https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6448313/)

[5] https://www.pharmgkb.org/labelAnnotation/PA166184110

[6] https://www.huggies.com.vn/cham-soc-be/sua-cong-thuc/sua-cong-thuc-va-ham-luong-dinh-duong

[7] https://www.smartparenting.com.ph/health/your-kids-health/parent-s-quick-guide-what-you-need-to-know-about-g6pd-deficiency-a00026-20171009

[8] https://www.g6pd.org/en/G6PDDeficiency/ResearchPapers/Beutler_01.aspx

Hỗ trợ trực tuyến
02466861304 0796188898
Thống kê truy cập

Lượng truy cập hiện tại: 1

Lượng truy cập trong ngày: 1215

Tổng lượng truy cập: 10937193

Trung tâm sàng lọc sơ sinh BIONET Việt Nam