Trung tâm sàng lọc sơ sinh Bionet Việt Nam

Sàng lọc sơ sinh là chương trình thực hiện xét nghiệm cho các bé sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.

 

Trung tâm sàng lọc sơ sinh

Bionet Việt Nam

CÁC VITAMIN VÀ CHẤT CHỐNG OXY HÓA CẦN THIẾT CHO NGƯỜI BỊ BỆNH THIẾU MEN G6PD

17:30:1410/05/2016

      Enzyme G6PD (men G6PD) giúp bảo vệ tế bào hồng cầu trước những tác nhân oxy hóa. Người bị bệnh thiếu men G6PD có hồng cầu kém ổn định và dễ bị tổn thương bởi các tác nhân oxy hóa mà cơ thể hấp thụ từ thức ăn, thuốc,… gây ra tình trạng tán huyết kéo theo vàng da bệnh lý. Trong trường hợp mắc bệnh thiếu men G6PD thể nặng, người bệnh có thể bị tổn thương não hoặc chậm phát triển đặc biệt ở giai đoạn sơ sinh. 

      Một trong những phương pháp giúp cải thiện sức khỏe của người mắc bệnh thiếu men G6PD là bổ sung các chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể bao gồm:

- Các vitamin và chất cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào máu mới: trong đó quan trọng nhất là vitamin nhóm B.

- Các chất chống oxy hóa từ nguồn thực phẩm tự nhiên nhằm hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây stress oxy hóa (các gốc tự do).

Hình ảnh minh họa

I. CÁC VITAMIN CẦN THIẾT CHO QUÁ TRÌNH TẠO MÁU

1. Vitamin B2 (hay riboflavin)

       Vitamin B2 là chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng, sinh sản của cơ thể và đặc biệt quá trình sinh hồng cầu. Vitamin B2 cũng giúp cho việc phân giải thức ăn giàu tinh bột để cung cấp năng lượng cho cơ thể. 

      Các nguồn thức ăn giàu vittamin B2 bao gồm: trứng, sữa, bơ, ngũ cốc, thịt, các loại rau xanh và hoa quả. Vitamin này có đặc điểm là dễ bị phân giải dưới ánh sáng mặt trời, chính vì vậy thực phẩm khi mua về nên dùng ngay, hoặc để nơi thoáng mát tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào.  

      Mỗi ngày, cơ thể cần khoảng 1,1 mg vitamin B2 (đối với phụ nữ) và 1,3mg (đối với nam). Nếu thiếu hụt lượng vitamin B2 sẽ dễ dẫn tới bệnh răng miệng. 

2. Vitamin B6

      Vitamin B6 rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa protein trong cơ thể, chính vì thế khi nhu cầu hấp thụ protein của cơ thể càng tăng thì càng cần phải bổ sung Vitamin B6. Vitamin B6 cũng đóng vai trò quan trọng giúp cho hệ miễn dịch tạo ra kháng thể, duy trì hoạt động thần kinh bình thường, tạo huyết sắc tố Hemoglobin trong tế bào hồng cầu từ đó tăng vận chuyển oxy tới các tế bào trong cơ thể và thải loại CO2 nhanh chóng. 

      Khoai tây, chuối, ức gà và thịt lợn là những thực phẩm giàu vitamin B6 nhất. Lượng thực phẩm giàu Vitamin B6 cần dùng tùy thuộc vào lượng protein tiêu thụ của mỗi người, lượng dùng trung bình là 15mg Vitamin B6 trên mỗi gam protein. Nếu lạm dụng, dùng trên 50 mg Vitamin B6/1 ngày có thể gây ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh. 

3. Vitamin B9 (axit folic và folate)

      Vitamin B9 gồm 2 loại chính với tên gọi khác nhau dựa trên nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo. Folate là dạng vitamin tự nhiên có trong thực phẩm tươi trong khi axit folic là dạng tổng hợp có trong các loại thuốc, thực phẩm bổ sung. 

      Cơ thể cần folate cho quá trình tái tạo tế bào hồng cầu và có vai trò trong cấu tạo của hệ thần kinh. Vitamin B9 thường được sử dụng để điều trị thiếu máu do thiếu hụt folate và vitamin B12. 

      Axit folic hỗ trợ việc hình thành ADN và duy trì chức năng thần kinh bình thường. Nó cũng đóng vai trò trong sinh trưởng tế bào và phát triển phôi thai.  Phụ nữ mang thai nên bổ sung axit folic đầy đủ để giảm thiểu dị tật ống thần kinh, giúp trẻ phát triển cột sống và não bộ hoàn thiện.

      Vitamin B9 có nhiều trong các loại thịt, rau xanh và hạt hướng dương. Folate rất dễ bị phân giải khi nấu quá lửa. Liều dùng khuyến cáo 200µg/ngày đối với người lớn. Phụ nữ mang thai nên bổ sung 60 - 100µg/ngày và có thể dùng folate cho đến tuần mang thai thứ 12, riêng những người đang có kế hoạch sinh con thì bổ sung khoảng 400µg/ngày để làm giảm khuyết tật ống thần kinh phôi cho trẻ em tương lai.

      Thiếu hụt folate có thể gây thiếu máu, nhất là những người có khẩu phần ăn nghèo dưỡng chất, hoặc gây bệnh đường ruột. Sử dụng folate liều lượng cao có thể ảnh hưởng việc hấp thụ kẽm của cơ thể. Gan là thực phẩm rất giàu folate nhưng phụ nữ mang thai không nên ăn vì gan có hàm lượng vitamin A cao, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi.

Hình ảnh minh họa

4. Vitamin B12

      Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, có nhiệm vụ trong quá trình tạo máu và duy trì hoạt động tế bào thần kinh. Đây là dưỡng chất có trong gan, trứng, sữa, thịt gia súc, gia cầm, cá, ngũ cốc. Liều khuyến cáo là 1,50µg/ ngày cho người lớn, riêng nhóm phụ nữ đang nuôi con cần thêm 0,5µg/ngày. Thiếu hụt vitamin B12 có thể gây bệnh thiếu máu, ảnh hưởng đến quá trình phát triển hệ thần kinh. Nếu dùng đến ngưỡng 3mg/ngày ở người lớn cũng không gây độc cho cơ thể.

5. Vitamin C

      Vitamin C là một trong những vitamin quan trọng nhất trong nhóm vitamin, đây là chất chống oxy hóa bảo vệ các mô, cơ quan khỏi các phản ứng oxy hóa, các gốc tự  do có khả năng gây hư hại tế bào dẫn đến phát triển bệnh ung thư và tim mạch. Vitamin C cũng được chứng minh chống virus hiệu quả.

      Axit ascorbic là dạng tổng hợp của vitamin C và có nằm trong danh sách chất chống chỉ định, có trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn bởi nếu sử dụng ở liều lượng quá cao axit ascorbic có thể trở thành 1 chất gây oxy hóa. Tuy nhiên theo nghiên cứu vitamin C tự nhiên không gây nguy hiểm với người bị bệnh thiếu men G6PD.

6. Vitamin A, D, E và K 

      Là những vitamin cần thiết hỗ trợ cho nhiều quá trình khác nhau trong cơ thể . 

- Vitamin A: hỗ trợ sự phát triển của trẻ, tốt cho xương, da, mắt và hệ miễn dịch. Nguồn vitamin A tự nhiên thường có trong sữa, phô mai, trứng và các loại rau quả có màu vàng cam như cà rốt, bí đỏ…

- Vitamin D: giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, cho xương và răng khỏe mạnh. Nguồn vitamin D có thể từ thực phẩm hoặc được cơ thể tổng hợp khi tắm năng. Vitamin D từ thực phẩm thường là lòng đỏ trứng, dầu cá, các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên, Vitamin D tốt nhất nên từ nguồn vitamin cơ thể tổng hợp khi tắm nắng mặt trời. 

II. CÁC CHẤT CHỐNG OXI HÓA

      Chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình oxy hóa chất khác. Vitamin là một trong những nhóm chất chống oxy hóa rất tốt. Ngoài ra còn một số chất chống oxy hóa khác như Flavonoid, Isoflavone, Coenzyme Q10, Melatonin….cũng được tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm. 
 


      Hoa quả và rau xanh là thực phẩm chứa nhiều chất chống oxi hóa

- Flavonoid: Các chất chống oxy hóa này đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe tinh thần khi có tuổi tác. Hoa quả và trái cây có múi như cam là một nguồn phong phú của chất flavonoid.

- Isoflavone: Chất chống oxy hóa này có tác dụng đáng kể trong việc ngăn chặn các bệnh. Nó có nhiều trong đậu nành. Isoflavone không chỉ làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư dài hạn mà còn giúp giảm bớt các triệu chứng mãn kinh và cải thiện sức khỏe của xương.

- Kẽm: Khả năng chống oxy hóa của khoáng chất này là rất cao. Các thuộc tính chống oxy hóa của kẽm có thể bảo vệ cơ thể con người khỏi sự rối loạn thần kinh. Sản phẩm từ sữa như phô mai và sữa là nguồn cung cấp kẽm rất phong phú.

- Coenzyme Q10: Đây là một trong những chất chống oxy hóa được sản xuất trong cơ thể. Coenzyme Q10 là cần thiết cho hoạt động bình thường của các tế bào. Tuy nhiên , tùy theo độ tuổi, lượng Coenzyme Q10 cần thiết có thể thay đổi đáng kể. Bạn có thể bù đắp sự mất mát này bằng cách ăn thực phẩm có chứa Coenzyme Q10 như thịt cừu, cá… Chất chống oxy hóa này còn có thể thúc đẩy nướu răng khỏe mạnh và tăng cường sức khỏe của hệ thống tim mạch.

- Melatonin: Đây là một trong những chất chống oxy hóa quan trọng nhất và được tổng hợp bởi cơ thể của chúng ta. Melatonin giúp duy trì giấc ngủ bình thường. Mặc dù chất chống oxy hóa này có trong rau quả đặc biệt là cà chua.

Kết luận

Khi trẻ đến tuổi ăn dặm cha mẹ có thể dần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin và dinh dưỡng để cung cấp nguồn chất chống oxy hóa cũng như hỗ trợ cơ thể trong việc tạo tế bào máu mới. 

Danh sách những thực phẩm giàu vitamin B, A, D, E và K được liệt kê theo bảng dưới đây: 

CÁC LOẠI HẠT PROTEIN  RAU XANH VÀ HOA QUẢ
- Lúa mạch
- Lúa mạch đen
- Kiều mạch
- Yến mạch
- Diêm mạch
- Lúa mì
- Hạt hướng dương
- Hạt dẻ
- Hạt phỉ 

- Thịt bò
- Thịt lợn
- Thịt gà
- Thịt cừu
- Thịt vịt
- Gan
- Thịt bê
- Bơ làm từ sữa dê

- Trứng
- Cá ngừ
- Cá hồi
- Cá trích
- Trứng cá muối
- Sữa chua
- Kem chua
 - Astisô
- Măng tây
- Bông cải xanh
- Bắp cải
- Ngô
- Hạt Tiêu
- Khoai tây
- Bí ngô
- Rau bina
- Bí đao

- Bưởi
- Nho
- Xoài
- Cam
- Đu Đủ
- Dứa
- Lựu
- Dưa hấu
- Khoai lang
- Các loại quả mọng:

việt quất, dâu tây…

Bài viết được tham khảo từ nguồn sách “Staying healthy with G6PD deficiency” của tác giả Dale R. Baker và tổng hợp nhiều nguồn khác bởi Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet.

          Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh thiếu men G6PD, chăm sóc sức khỏe những người bị bệnh Thiếu men G6PD, Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet Việt Nam đã tạo ra nhóm facebook "Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Bệnh thiếu men G6PD - Bionet Việt Nam" . Với hơn 10 năm kinh nghiệm triển khai xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh bệnh Thiếu men G6PD, Bionet hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị về tri thức và nhân văn cho tất cả các thành viên tham gia nhóm thông qua các hoạt động: 

+ Cung cấp kho thông tin đầy đủ, chính thống, hữu ích qua nhiều dạng tài liệu trong nước và quốc tế

+ Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bệnh Thiếu men G6PD và cuộc sống khỏe mạnh thực tế của những người mắc bệnh thiếu men G6PD

+ Hỗ trợ giải đáp những vấn đề liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán, chắm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD

+ Tổ chức những hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thiếu men G6PD

+ Tổ chức các hoạt động thực tế hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh thiếu men G6PD

Click vào đường link: https://www.facebook.com/groups/Bionet.G6PD để tham gia nhóm ngay nhé!

Hỗ trợ trực tuyến
02466861304 0796188898
Thống kê truy cập

Lượng truy cập hiện tại: 1

Lượng truy cập trong ngày: 1722

Tổng lượng truy cập: 8720906

Trung tâm sàng lọc sơ sinh BIONET Việt Nam