Trung tâm sàng lọc sơ sinh Bionet Việt Nam

Sàng lọc sơ sinh là chương trình thực hiện xét nghiệm cho các bé sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.

 

Trung tâm sàng lọc sơ sinh

Bionet Việt Nam

BỆNH THIẾU HỤT ENZYME BIOTINIDASE (BIOTINIDASE DEFICIENCY)

15:40:1416/05/2016

      Trong cơ thể Biotin (hay còn gọi là coenzyme R, Vitamin H hoặc vitamin B7) đóng vai trò là cofactor cho các enzyme carboxylase tham gia vào quá trình chuyển hóa đường, chất béo, protein có trong thức ăn thành các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và trong quá trình dị hóa các axit amin phân nhánh. Ngoài ra biotin cũng đóng vai trò quan trọng khác trong việc biểu hiện gen, cấu trúc nhiễm sắc thể….

1.   GIỚI THIỆU BỆNH

      Thiếu biotindase là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến tái sử dụng và tái sản xuất vitamin biotin - là chất cần thiết trong quá trình chuyển hóa các chất béo, carbohydrate và protein. 

      Nguyên nhân của bệnh là do sự thiếu hụt enzyme biotinidase là một enzyme cần thiết cho các quá trình sản xuất và tái chế vitamin biotin. Nếu không có enzyme biotinidase để sản sinh biotin, khả năng chuyển hóa chất béo, chuyển hóa protein và carbohydrate của cơ thể bị suy yếu. Chất chuyển hóa có thể được tích lũy bất thường gây ảnh hưởng đén các cơ quan: não, da, tai và mắt. Các biến chứng bao gồm nhiễm axit trong quá trình chuyển hóa, hôn mê và có thể dẫn đến tử vọng.

      Thiếu hụt Biotinidase là một bệnh khá hiếm gặp. Tỷ lệ ước tính là 1 trong khoảng 40.000-60.000 trẻ được sinh ra.

 

Hình 1: Biotin hay viamin B7 là chất quan trọng với cơ thể

2.   NGUYÊN NHÂN

      Trong cơ thể Biotin (hay còn gọi là coenzyme R, Vitamin H hoặc vitamin B7) đóng vai trò là cofactor cho các enzyme carboxylase tham gia vào quá trình chuyển hóa đường, chất béo, protein có trong thức ăn thành các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và trong quá trình dị hóa các axit amin phân nhánh. Ngoài ra biotin cũng đóng vai trò quan trọng khác trong việc biểu hiện gen, cấu trúc nhiễm sắc thể….

      Trong điều kiện bình thường enzyme biotinídase đóng vai trò phân tách Biotin từ biocytin hoặc chuỗi peptide-biotinyl để tạo ra biotin và lysine tự do. Sự phân tách này giúp cơ thể tái sử dụng Biotin và duy trì lượng Biotin cần thiết cho các hoạt động sống. 

       Ở người mắc bệnh, việc thiếu hụt enzyme biotinidase sẽ làm giảm hoặc ngăn cản sự tái sử dụng Biotin từ đó dẫn đến việc giảm sút hoạt tính của các enzyme carboxylase phụ thuộc biotin và ảnh hưởng đến các quá trình chuyển hóa chất trong cơ thể. Đặc biệt là 2 axit amin thiết yếu (leucine và isoleucine) không thể được phá vỡ hoàn toàn do thiếu hụt Biotin sẽ chuyển hóa thành các chất độc như hydroxyisovalerate (hay còn gọi là axit hydroxyisovaleric). Các chất độc tích tụ trong cơ thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan như hệ thống thần kinh, da, tóc, mắt…..

 
Hình 2: Chu trình Biotin trong cơ thể sống

      Nguyên nhân về mặt di truyền: bệnh thiếu hụt enzyme Biotinidase do đột biến trên gen BTD gây ra. Có khoảng hơn 150 biến đổi trên gen BTD đã được nghiên cứu. Các đột biến trên gen BTD làm giảm hoặc làm mất chức năng hoạt động của enzym Biotinidase. 

      Đây là bệnh di truyền tính trạng lặn trên nhiễm sắc thể thường, trẻ mắc bệnh do nhận gene gây bệnh từ bố và mẹ. 

3.   TRIỆU CHỨNG VÀ BIỂU HIỆN LÂM SÀNG 

      Những triệu chứng bệnh có thể bắt đầu xuất hiện vài ngày sau sinh bao gồm: co giật, giảm trương lực cơ, mất điều hòa thân nhiệt, liệt , mất thính lực , hạn chế tầm nhìn, phát ban da (kể cả viêm da tiết bã và vẩy nến ) và rụng tóc, mất màu tóc . Nếu không được điều trị , các rối loạn có thể nhanh chóng dẫn đến hôn mê và tử vong. Do việc tích tụ các chất độc không được chuyển hóa, bệnh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh, giảm phát triển trí tuệ và tinh thần. 

      Bệnh cũng có thể xuất hiện triệu chứng muộn hay còn được gọi thiếu hụt biotinidase giai đoạn khởi phát muộn. Các dấu hiệu cũng tương tự như giai đoạn sơ sinh nhưng có thể nhẹ hơn bởi vì những người mắc bệnh đã sống sót qua giai đoạn sơ sinh thường còn một phần hoạt tính enzyme biotinidase. Nghiên cứu cũng cho thấy có những người bị bệnh mà không hề có triệu chứng gì cho đến thời niên thiếu hoặc khi trưởng thành. 

      Mức độ nghiêm trọng của bệnh có liên quan đến mức độ thiếu hụt enzyme. Thiếu hụt enzyme biotinidase ở mức nghiêm trọng khi hoạt tính enzyme ít hơn 10%. Những người bị thiếu hụt một phần thường có hoạt tính enzyme ở mức 10-30%.

      Ngoài ra cũng cần lưu ý các triệu chứng bệnh do bệnh thiếu hụt enzyme biotinídase bẩm sinh và do thiếu hụt Biotin trong khẩu phần ăn là khá giống nhau nên cần phân biệt rõ 2 dạng này.

4.  SÀNG LỌC VÀ CHẨN ĐOÁN 

      Phương pháp xét nghiệm dùng trong sàng lọc bệnh ở trẻ sơ sinh thường được sử dụng là định lượng enzyme có trong mẫu máu khô và kết quả được báo cáo hoặc là "nguy cơ thấp" (đủ enzyme để hoạt động) hoặc "nguy cơ cao" (giảm hoặc vắng mặt hoạt động của enzyme).  Sự sai lệch kết quả có thể xảy ra với các mẫu máu lấy từ trẻ sơ sinh thu mẫu trước thời gian cho phép hoặc xử lý, bảo quản mẫu không đúng cách. Nếu kết quả sàng lọc chỉ ra rằng trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh cần thực hiện tiếp xét nghiệm khác để khẳng định tình trạng bệnh.  

      Việc chẩn đoán bệnh có thể thông qua các dấu hiệu lâm sàng, xác định hoạt độ enzyme biotinidase trong mẫu máu tươi hoặc thông qua xét nghiệm sinh học phân tử xác định đột biến gen BTD. 

5.   ĐIỀU TRỊ BỆNH

      Những người bị thiếu hụt enzyme biotinidase vẫn có thể có hoạt tính enzyme carboxylase ở mức bình thường nếu hấp thu đủ lượng Biotin hàng ngày bởi vậy phương pháp điều trị bệnh phổ biến nhất là bổ sung Biotin qua đường uống, thông thường từ 5 – 20 mg biotin một ngày. Với những người bị thiếu hụt enzyme biotinidase nghiêm trọng cần tăng lượng biotin bổ sung hàng ngày. Điều này giúp cung cấp cho cơ thể một lượng biotin đủ cho tất cả nhu cầu trao đổi chất. 

                                         
Hình 3: Trên thị trường cung cấp rất nhiều loại bổ sung Biotin

      Bệnh này cần thiết điều trị suốt đời và không hạn chế chế độ ăn uống. Việc tiên lượng cho các bệnh nhân được chẩn đoán với tình trạng thiếu biotinidase là rất tốt, đặc biệt là đối với những người được điều trị trước khi triệu chứng xảy ra. Bệnh nhân có thể có cuộc sống hoàn toàn khỏe mạnh nếu đảm bảo đúng việc điều trị. Đã có bằng chứng là không có tác dụng phụ nghiêm trọng của các loại thuốc điều trị thiếu biotinidase.

Nguồn Bionet Việt Nam

Tài liệu tham khảo
1. http://emedicine.medscape.com/article/942055-clinical#b4
2. http://www.babysfirsttest.org/newborn-screening/conditions/biotinidase-deficiency 

Hỗ trợ trực tuyến
02466861304 0796188898
Thống kê truy cập

Lượng truy cập hiện tại: 1

Lượng truy cập trong ngày: 6059

Tổng lượng truy cập: 8725244

Trung tâm sàng lọc sơ sinh BIONET Việt Nam